1. Hệ thống Bretton Woods là gì?
Ngay trước khi Thế chiến thứ II kết thúc, các nước đồng minh đã bắt đầu xây dựng một hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thúc đẩy các quan hệ tiền tệ và thương mại quốc tế.
Năm 1944, một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Bretton Woods (Mỹ) với sự tham gia của các đại diện đến từ 44 quốc gia. Hội nghị đã đưa ra một loạt các biện pháp liên quan đến tài chính tiền tệ, dẫn đến sự hình thành của một hệ thống tiền tệ quốc tế mới với tên gọi là hệ thống Bretton Woods.
Mục tiêu của hội nghị là khôi phục nền kinh tế thế giới, cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế tránh được những sai lầm trước đây, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế trong khi vẫn bảo vệ các mục tiêu chính sách tự trị của các quốc gia riêng lẻ, cũng như tạo ra một trật tự tiền tệ quốc tế mới để tránh sự tan rã các mối quan hệ tiền tệ trên phạm vi quốc tế vào những năm 1930.
2. Nội dung hệ thống Bretton Woods
Trong hội nghị Bretton Woods năm đó, các cuộc thảo luận phần lớn bị chi phối bởi lợi ích của hai cường quốc kinh tế vĩ đại là Hoa Kỳ và Anh. Tuy nhiên, hai nước này lại có những mối bận tâm khác nhau.
Vào thời điểm đó, Vương quốc Anh đang là quốc gia mang nợ lớn nên muốn tỷ giá hối đoái thả nổi tự do nhằm tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, để có sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái nhằm cải thiện cán cân thanh toán đang nghiêng hẳn sang một bên của Anh Quốc.
Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của nước Mỹ lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong vòng hai thập kỷ đầu sau chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ là trung tâm tài chính, kinh tế duy nhất của thế giới, đặc biệt Mỹ nắm đến 70% trữ lượng vàng thế giới. Với vai trò là chủ nợ lớn của thế giới, Mỹ muốn mở cửa thị trường thế giới để xuất khẩu, ưu tiên việc tạo thuận lợi cho thương mại tự do thông qua sự ổn định của tỷ giá cố định.
Cuối cùng, Hội nghị kết thúc với một thỏa ước quốc tế quan trọng mang tên Chế độ tiền tệ Bretton Woods được xây dựng chủ yếu trên cơ sở của Mỹ. Theo đó, hệ thống phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau:
- Các tổ chức quốc tế – hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính tiền tệ cần thành lập một tổ chức thống nhất với các chức năng và quyền hạn nhất định. Đây là tiền đề ra đời của hai tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) – sau này gọi là Ngân hàng Thế giới (WB)
- Tỷ giá hối đoái phải được xác định về mặt ngắn hạn, nhưng có thể được điều chỉnh nếu xuất hiện tình trạng mất cân đối căn bản.
- Để giúp chế độ tỷ giá hối đoái cố định điều chỉnh hoạt động một cách có hiệu quả, các quốc gia đều cần đến một lượng dự trữ quốc tế, do đó cần có sự gia tăng vàng và các nguồn dự trữ bằng tiền.
- Vì lợi ích kinh tế chung mà các quốc gia phải tham gia vào hệ thống thương mại đa phương tự do, trong đó có đồng tiền chuyển đổi tự do được sử dụng.
Thực chất Bretton Woods là thỏa thuận hướng về việc giữ giá đồng tiền các nước theo giá vàng và chống lạm phát giá cả. Ý tưởng cố định giá USD vào giá vàng chính là để cho hệ thống này có được sự tin cậy tuyệt đối. Vào thời điểm năm 1945, chính phủ Mỹ nắm giữ gần 70% dự trữ vàng của thế giới nên các Ngân hàng trung ương nước ngoài có thể tin tưởng và sẵn sàng nắm giữ USD làm dự trữ của mình bởi Mỹ cam kết duy trì chuyển đổi USD ra vàng không hạn chế ở mức giá cố định 35 USD/ounce.
Theo chế độ này, đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ duy nhất có đầy đủ khả năng chuyển đổi ra vàng, các đồng tiền khác không được chuyển đổi trực tiếp ra vàng. Các nước dùng vàng hoặc đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán quốc tế. Có thể nói hệ thống Bretton Woods là hệ thống bản vị hối đoái vàng dựa trên Đô là Mỹ.
3. Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods
Vào đầu những năm 1960, dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định của hệ thống Bretton Woods, giá trị cố định của đồng USD được coi là định giá quá cao so với vàng.
Chính sách tiền tệ mở rộng của Hoa Kỳ làm tăng nguồn cung USD, cùng với khả năng cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia thành viên khác, đã sớm làm cán cân thanh toán đảo ngược. Mỹ với tham vọng muốn cả thế giới dự trữ đô la Mỹ chứ không phải vàng, trong khi sự suy giảm dự trữ vàng của Mỹ đi kèm với những thâm hụt do muốn duy trì sự cân bằng cho toàn thế giới, đe dọa sự ổn định của hệ thống Bretton Woods.
- Xem thêm: 3 cách để thiết lập trạng thái cân bằng của cán cân thanh toán
- Xem thêm: Kiến thức cơ bản về chính sách tiền tệ
Trong suốt những năm 60 và đầu thập kỷ 70, nền kinh tế các nước Tây Âu phát triển tăng nhanh hơn nền kinh tế Mỹ, cán cân thanh toán Mỹ bội chi và đồng USD mất giá liên tục.
Hệ thống Bretton Woods đã giới hạn hoạt động chi tiêu của Hoa Kỳ và thế giới do lượng vàng sở hữu là có hạn trong khi nhu cầu sử dụng tiền lại lớn hơn rất nhiều. Việc Hoa Kỳ in tiền phục vụ cho việc tài trợ cho Chiến tranh Việt Nam hoặc viện trợ cho các nước khác đã khiến đôla mất giá và tăng lạm phát.
vào tháng 8 năm 1971 Tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã phải rút hẳn khỏi hệ thống Bretton Woods và tiến hành thả nổi đồng tiền USD, và hệ thống tỷ giá hối đoái cố định tan rã.
Hệ thống Bretton Woods sụp đổ nhưng IMF và WB vẫn tồn tại và hoạt động cho đến ngày nay
Bài viết trên đã tổng hợp những thông tin cơ bản nhất về hệ thống Bretton Woods, một trong những hệ thống tiền tệ nổi tiếng nhất thế giới. Để biết thêm nhiều thông tin bổ ích về tài chính quốc tế, bạn đọc hãy tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo của libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen