Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đồng tiền riêng. Thương mại, đầu tư và các quan hệ tài chính quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải thanh toán với nhau. Thanh toán giữa các quốc gia dẫn đến việc mua bán các đồng tiền khác nhau, đồng tiền này lấy đồng tiền kia. Hai đồng tiền được mua bán với nhau theo một tỷ lệ nhất định, tỷ lệ này gọi tỷ giá hối đoái. Vậy để tìm hiểu kỹ hơn về tỷ giá hối đoái hãy để libra24h đồng hành cùng bạn trong bài viết này nhé!
1. Tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá hối đoái là giá trị tiền tệ của một quốc gia so với tiền tệ của quốc gia hoặc khu vực kinh tế khác.
Ví dụ: 1 USD = 23.000 VND. Trong ví dụ này, giá USD được biểu thị thông qua VND và 1 USD có giá là 23.000 VND
2. Đồng tiền yết giá, đồng tiền định giá
Thông thường, để biểu diễn tỷ giá hối đoái người ta thường sử dụng tên viết tắt theo tên đồng tiền quốc gia mà nó đại diện. Ví dụ USD có thể được hiểu là viết tắt của U.S dollar hay EUR là viết tắt cho Euro.
Trong tỷ giá có hai đồng tiền, một là đồng tiền đóng vai trò đồng tiền yết giá, còn đồng kia đóng vai trò đồng tiền định giá.
Đồng tiền yết giá (Commodity Currency): là đồng tiền có số đơn vị cố định và bằng 1 đơn vị.
Đồng tiền định giá (Terms Currency): Là đồng tiền có số đơn vị thay đổi, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường.
- Ví dụ 1: 1 EUR = 1.1720 USD, trong đó: EUR là đồng tiền yết giá, còn USD là đồng tiền định giá.
- Ví dụ 2: 1 USD = 22.760 VND, trong đó: USD là đồng tiền yết giá, còn VND là đồng tiền định giá.
3. Các loại chế độ tỷ giá hối đoái
Chế độ tỷ giá hối đoái là cách thức một đất nước quản lý đồng tiền của mình liên quan đến các đồng tiền nước ngoài và quản lý thị trường ngoại hối. Chế độ tỷ giá hối đoái ở mỗi nước và mỗi thời kỳ có thể khác nhau.
Tỷ giá thả nổi
Chế độ tỷ giá thả nổi hay còn gọi là chế độ tỷ giá linh hoạt là một chế độ trong đó giá trị của một đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi được gọi là một đồng tiền thả nổi.
Các nhà kinh tế đều cho rằng, trong phần lớn trường hợp, chế độ tỷ giá thả nổi tốt hơn chế độ tỷ giá cố định bởi vì tỷ giá thả nổi nhạy với thị trường ngoại hối. Điều này cho phép làm dịu tác động của các cú sốc và chu kỳ kinh doanh nước ngoài. Thêm vào đó, nó không bóp méo các hoạt động kinh tế.
Tỷ giá cố định
Tỷ giá hối đoái cố định, đôi khi còn được gọi là tỷ giá hối đoái neo, là một kiểu chế độ tỷ giá hối đoái trong đó giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác hay với một rổ các đồng tiền khác, hay với một thước đo giá trị khác, như vàng chẳng hạn.
Khi giá trị tham khảo tăng hoặc giảm, thì giá trị của đồng tiền neo vào cũng tăng hoặc giảm. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định. Tỷ giá hối đoái cố định là một lựa chọn chế độ tỷ giá ngược hoàn toàn với tỷ giá hối đoái thả nổi.
Tỷ giá thả nổi có điều tiết
Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết là một chế độ tỷ giá hối đoái nằm giữa hai chế độ thả nổi và cố định. Mặc dù lý thuyết nói chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi tốt hơn, nhưng trong thực tế không có một đồng tiền nào được thả nổi hoàn toàn, vì nó quá bất ổn định.
Tuy chế độ tỷ giá hối đoái cố định tạo ra sự ổn định, song việc thực hiện các biện pháp chính sách nhằm giữ cho tỷ giá hối đoái cố định tương đối khó khăn và tốn kém, và trên hết là chế độ này làm cho chính sách tiền tệ trở nên vô hiệu lực.
Do đó, chỉ một số ít đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi, nhưng chính phủ sẽ can thiệp để tỷ giá không hoàn toàn phản ứng theo thị trường.
4. Tác động của tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế
Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng tới tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế: Khi sức mua nội tệ giảm (tỷ giá hối đoái tăng) làm giá hàng nhập khẩu đắt hơn, dễ dẫn đến khả năng lạm phát có thể xảy ra. Ngược lại khi tỷ giá hối đoái giảm (giá đồng nội tệ tăng lên), hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên rẻ hơn. Từ đó lạm phát được kiềm chế nhưng lại dẫn tới sản xuất thu hẹp và tăng trưởng thấp.
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu: Nếu đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) kéo theo giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó sẽ rẻ hơn dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao. Khi tỷ giá tăng lên sẽ thúc đẩy nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, từ đó giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
Vai trò so sánh sức mua của các đồng tiền: Tỷ giá là công cụ rất hữu hiệu để tính toán và so sánh giá trị nội tệ với giá trị ngoại tệ, giá cả hàng hóa trong nước với giá quốc tế, năng suất lao động trong nước với năng suất lao động quốc tế…; Từ đó, sẽ giúp tính toán hiệu quả của các giao dịch ngoại thương, các hoạt động liên doanh với nước ngoài, vay vốn nước ngoài và hiệu quả của các chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà Nước.
Trên đây là khái niệm về tỷ giá hối đoái và những lưu ý mà bạn cần phải biết. Có thể nói, tỷ giá hối đoái hay tỷ giá trao đổi ngoại tệ có ảnh hưởng trực tiếp đối với nền kinh tế thị trường hiện nay. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho bạn hiểu được tỷ giá hối đoái là gì, cùng những nền tảng bước đầu của thị trường kinh tế tài chính. Từ những thông tin đó các bạn sẽ có cách nhìn tổng quan về thị trường tiền tệ và có hướng đầu tư đúng đắn cho các dự định của mình.
Nguồn: Tổng hợp
Dan Nguyen