Rủi ro tỷ giá là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu bởi các doanh nghiệp có giao dịch tài chính quốc tế. Vậy rủi ro tỷ giá là gì và có bao nhiêu loại rủi ro tỷ giá? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của libra24h.com để tìm được đáp án cho các câu hỏi trên nhé!
1. Rủi ro tỷ giá là gì?
Rủi ro tỷ giá (hay còn gọi là rủi ro ngoại hối) là loại rủi ro đề cập đến những tổn thất mà một giao dịch tài chính quốc tế có thể phải chịu do biến động tỷ giá, nó mô tả khả năng giá trị đầu tư có thể giảm do thay đổi giá trị tương đối của các loại tiền tệ liên quan.
Nói một cách đơn giản hơn, rủi ro tỷ giá là rủi ro mà hoạt động tài chính hoặc tình hình tài chính của một doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ.
Rủi ro xảy ra khi một công ty tham gia vào các giao dịch tài chính hoặc các báo cáo tài chính bằng đơn vị tiền tệ khác với đồng tiền lưu thông nơi đặt trụ sở chính. Ví dụ, một công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ có chi nhánh hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản – tức là nhận các giao dịch tài chính bằng đồng yên Nhật JPY của Nhật Bản – báo cáo tài chính bằng đô la Mỹ USD và có rủi ro ngoại hối.
Các giao dịch tài chính nhận được bằng đồng JPY của Nhật Bản phải được chuyển đổi sang đô la Mỹ trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ ở Hoa Kỳ. Những thay đổi trong tỷ giá hối đoái giữa JPY (ngoại tệ) và USD (nội tệ) sẽ là rủi ro, do đó có thuật ngữ rủi ro tỷ giá.
Rủi ro tỷ giá có thể do đồng nội tệ tăng giá/giảm giá, ngoại tệ tăng giá/giảm giá hoặc kết hợp cả hai. Đó là một rủi ro lớn cần xem xét đối với các nhà xuất khẩu/nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế, các công ty đa quốc gia MNCs.
2. Các loại rủi ro tỷ giá mà doanh nghiệp cần biết
Ba loại rủi ro ngoại hối bao gồm:
Rủi ro giao dịch
Rủi ro giao dịch (Transaction risk/ Transaction exposure) là mức độ ảnh hưởng của biến động tỷ giá đến giá trị các giao dịch bằng tiền mặt trong tương lai.
Rủi ro là sự thay đổi tỷ giá hối đoái trước khi thanh toán giao dịch. Về cơ bản, thời gian chậm trễ giữa giao dịch và thanh toán là nguồn gốc của rủi ro giao dịch.
Giả sử một công ty Việt Nam có thỏa thuận mua 10 chiếc ô tô của Nhật Bản với giá 4 triệu JPY/ chiếc.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng, tỷ giá VND/JPY = 190, công ty Việt Nam ước tính sẽ chi 7,6 tỷ VND cho lô hàng.
Tại thời điểm thanh toán là 3 tháng sau, đồng VND mất giá và tỷ giá VND/JPY = 200, tổng chi phí cần thanh toán cho lô hàng đã lên đến 8 tỷ VND, tăng thêm 400 triệu VND so với chi phí dự kiến ban đầu.
Rủi ro giao dịch lên đến 400 triệu đồng bắt nguồn từ sự biến động của tỷ giá trong khoảng thời gian ký kết hợp đồng đến thanh toán.
Rủi ro giao dịch có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn… Bạn đọc có tham khảo thêm các cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá tại bài viết sau:
Rủi ro kinh tế
Rủi ro kinh tế (Economic risk/ Economic exposure) là những rủi ro phát sinh từ sự biến động của tỷ giá làm thay đổi dòng tiền của công ty (bao gồm doanh thu và chi phí trong tương lai)
Một ví dụ điển hình về rủi ro kinh tế trong thực tế là trường hợp của McDonald ở Iceland.
McDonald đã mở cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên ở quốc gia này năm 1993 và chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Năm 2008 khi đồng tiền Krona của Iceland bị mất giá trầm trọng đã khiến chi phí nhập khẩu của McDonald tăng lên, đây là rủi ro giao dịch.
Việc chi phí nhập khẩu tăng đã khiến tổng chi phí tăng lên gấp đôi, Mcdonald buộc phải tăng giá thêm 20% lên 6,36 USD/ hamburger để thu được mức lợi nhuận cũ.
Trong khi đó các công ty đối thủ tại Iceland lại sử dụng hầu hết nguyên liệu có sẵn ở trong nước do đó không phải chịu rủi ro giao dịch. McDonald bị giảm khả năng cạnh tranh do giá sản phẩm tăng.
Ở đây, cả McDonald và các công ty đối thủ đều bị ảnh hưởng bởi rủi ro kinh tế. Đây là điểm khác biệt nổi bật giữa loại rủi ro này và 2 loại rủi ro còn lại. Các công ty nội địa thuần túy cũng có thể gặp phải rủi ro kinh tế.
Rủi ro kinh tế có thể được đo lường bằng cách đo độ nhạy cảm của thu nhập đối với tỷ giá. Nói chung, những công ty có chi phí bằng ngoại tệ lớn hơn doanh thu tính bằng ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi đồng ngoại tệ lên giá.
Rủi ro chuyển đổi
Rủi ro chuyển đổi (Translation risk/ Translation exposure) đề cập đến ảnh hưởng của biến động tỷ giá đến báo cáo tài chính hợp nhất của một công ty. Rủi ro chuyển đổi cao hơn khi một công ty nắm giữ một phần lớn tài sản, nợ phải trả hoặc cổ phiếu bằng ngoại tệ.
Tài sản hoặc các khoản nợ của các công ty con khi kết toán vào bảng cân đối kế toán sẽ bị tác động bởi các dao động tỷ giá theo thời gian. Thu nhập của các công ty con khi chuyển đổi sang đồng tiền quy ước trên báo cáo thu nhập hợp nhất cũng chịu rủi ro tỷ giá.
Giả sử có một công ty mẹ báo cáo tài chính bằng đô la Canada nhưng có một công ty con đặt trụ sở tại Trung Quốc. Công ty này sẽ phải đối mặt với rủi ro chuyển đổi, vì hiệu quả tài chính của công ty con được tính bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và cần được chuyển sang đô la Canada cho mục đích báo cáo.
Tỷ giá có thể không có tác động ngay lên dòng tiền mà công ty mẹ nhận được nhưng có thể có tác động bất lợi đến dòng tiền này trong tương lai. Một số nhà đầu tư cổ phiếu sử dụng thu nhập làm tiêu chí đánh giá công ty, thu nhập bị ảnh hưởng sẽ tạo ra biến động giá cổ phiếu.
Mức độ rủi ro chuyển đổi của một công ty phụ thuộc vào 3 yếu tố sau:
- Mức độ hoạt động của các chi nhánh nước ngoài
- Địa điểm đặt các chi nhánh
- Phương pháp kế toán
Như vậy những thông tin về rủi ro tỷ giá đã được libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
- Bạn đọc tham khảo:
Tổng hợp 6 yếu tố tác động đến tỷ giá hối đoái
Hợp đồng quyền chọn là gì? Những điều cần biết về hợp đồng quyền chọn ngoại hối
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng