Phương pháp giao dịch Price Action được nhiều người coi là vua của phân tích kỹ thuật trong giao dịch. Nó cung cấp kiến thức thiết yếu giúp nhà đầu tư củng cố bất kỳ chiến lược phân tích kỹ thuật nào, và tăng cường khả năng dự báo cũng như dự phòng rủi ro.
Bạn đã bao giờ nhìn vào biểu đồ “trần trụi” với chỉ hành động giá mà tự tin dự đoán được điểm đến tiếp theo của giá chưa? Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu phương pháp này để hiểu tại sao nó trở thành một phương pháp giao dịch phổ biến được nhiều nhà đầu tư yêu thích sử dụng nhé.
1. Price Action là gì và nguồn gốc của Price Action
Price Action là phương pháp giao dịch theo Hành Động Giá, và là phương pháp đã làm biết bao nhà đầu tư mê đắm bởi sự đơn giản đến mức thuần khiết của nó. Các nhà đầu tư sử dụng phương pháp Price Action tin rằng giá là nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta cần để có thể xây dựng nên một phương pháp giao dịch cung cấp lợi thế cho mình, từ đó có thể đọc hiểu được thị trường và kiếm lợi nhuận. Price Action loại bỏ gần như hoàn toàn các thông tin gây nhiễu khác và chỉ tập trung vào Giá để phân tích.
Price Action có nguồn gốc tương tự phân tích kỹ thuật cổ điển, tức là bắt nguồn từ Lý thuyết Dow của Charles Dow – được mệnh danh là cha đẻ của phân tích kỹ thuật.

Dow cho rằng giá phản ánh mọi thứ, và là kết quả cuối cùng của tất cả các yếu tố và thông tin khác trên thị trường, và giá được biểu hiện lên biểu đồ giá. Price Action nghiên cứu hành động của giá cả, từ đó đọc hiểu được tâm lý của những con người đang tham gia thị trường và dự đoán hành động tiếp theo. Đó là lý thuyết và nền móng vững chãi nhất của Price Action.
2. Những khái niệm cơ bản nhất của Price Action
Mô hình nến
Sau khi Steve Nison giới thiệu mô hình nến Nhật cho thế giới phương Tây, những hành động giá ngắn hạn được gọi là mô hình đó bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Kể từ đó, mô hình nến trở thành 1 trong các phương pháp phân tích quan trọng nhất của Price Action hiện đại.
Một cây nến đơn giản như vậy nhưng lại ẩn chứa trong nó rất nhiều tâm tư nguyện vọng. Đuôi nến trên và dưới (hay còn gọi là bóng nến, râu nến) sẽ cho chúng ta thấy lực bán và lực mua. Trong khi đó thân nến cho thấy tâm lý thị trường hiện tại. Nói 1 cách đơn giản nhất, nếu nến đóng cửa cao hơn thì thị trường đang tăng giá, ngược lại là giảm giá. Nhưng nếu giá đóng gần bằng hoặc bằng giá mở, nôm na gần như không có thân nến, thì tâm lý là chưa xác định được. Cây nến này gọi là Doji.
Khoảng cách giữa đỉnh và đáy nến cho thấy độ biến động trong phiên giao dịch đó. Do đó nến càng dài tức là thị trường đang có biến động lớn.
Nếu đọc hiểu được câu chuyện mà 1 cây nến muốn kể, thì dần dần các nhà đầu tư sử dụng Price Action sẽ hiểu được câu chuyện thị trường muốn kể.
Đọc thêm: Mô hình nến Nhật
Phân Tích từng thanh nến
Tuy nhiên để đọc hiểu thị trường, đâu chỉ có đọc hiểu 1 cây nến là đủ. Nhà đầu tư sử dụng Price Action phải biết cách đọc từng cây nến một trong một chuỗi, rồi ghép lại các mảnh nhỏ thành 1 câu chuyện. Đó gọi là phân tích từng thanh nến (bar-by-bar analysis).
Theo hình trên, mọi người nghĩ thị trường đang kể câu chuyện gì?
Nhà đầu tư theo Price Action đã lâu, khi nhìn vào 1 chuỗi các cây nến, sẽ thấy ngay câu chuyện mà chúng muốn kể, 1 trận đánh giữa lực lượng bán và lực lượng mua hiện rõ ngay trong đầu, ai thắng thế, ai thua hay thế trận chưa ngả ngũ sẽ kể được ngay. Không cần indicator hay chỉ báo gì cả, bản thân giá và nến là đã cho rất nhiều thông tin.
Price Action áp dụng được trên các thị trường nào?
Price Action áp dụng được trên tất cả các thị trường có người giao dịch, có người mua kẻ bán, vì bản chất quá đơn giản của nó là chỉ cần mỗi giá và nến làm thông tin nên nó có khả năng tuyệt vời này.
Tuy nhiên, thị trường thanh khoản càng cao (nôm na nếu bạn muốn mua ở bất cứ giá nào thì vẫn có người chấp nhận bán, việc mua bán được diễn ra dễ dàng) thì Price Action càng phát huy thế mạnh. Thị trường thanh khoản cao, nến càng cho thấy rõ ràng câu chuyện đằng sau, nhà đầu tư sử dụng Price Action càng có lợi.
Các khái niệm Price Action quan trọng
a. Mô hình giá
Mô hình giá nghe qua có vẻ như là 1 phương pháp giao dịch khác (Nhà giao dịch 40 năm kinh nghiệm Peter Brandt kiếm trung bình 40%/năm nhờ phân tích Mô hình giá cổ điển), nhưng nó là 1 phần quan trọng của phương pháp Price Action. Trong phân tích Price Action, chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng các Mô hình giá cổ điển làm căn cứ để phân tích, vì cơ bản Mô hình giá cũng là biến động của thị trường lặp lại trong quá khứ, do đó chúng có khả năng tái diễn trong tương lai, và vẫn giữ được sự thuần khiết của giá, nên Price Action đều sử dụng tới cả.
b. Xu hướng và các điểm đảo chiều
Thị trường không di chuyển 1 cách ngẫu nhiên, nó đi theo xu hướng: tăng, giảm, hoặc đi ngang. Phải hiểu về xu hướng và các điểm đảo chiều – swing point, gồm swing high và swing low – mới có thể phân tích Price Action được.
Xu hướng tăng gồm các đỉnh cao hơn, đáy cao hơn (higher high-higher low), Xu hướng giảm gồm các đỉnh thấp hơn, đáy thấp hơn (lower high-lower low). Xu hướng tăng bị phá vỡ khi giá phá xuống swing low cấu trúc gần nhất. Xu hướng giảm bị phá vỡ khi giá phá lên swing high cấu trúc gần nhất.
Thị trường đi ngang khi không xuất hiện 1 cặp đỉnh đáy cao hơn, thấp hơn nào rõ ràng. Đi ngang có 2 dạng chính: đi ngang kiểu range giá nằm ngang, hoặc đi ngang tích luỹ theo tam giác.
c. Hỗ trợ và kháng cự
Đây là các khái niệm cực kỳ quan trọng trong Price Action. Chúng ta sẽ mua bán theo các vùng hỗ trợ, kháng cự để có xác suất thắng cao hơn. hỗ trợ ngăn cho giá không giảm xuống thấp hơn, và kháng cự ngăn cho giá không tăng lên cao hơn. Giao dịch Price Action có thành công hay không phụ thuộc vào việc xác định hỗ trợ kháng cự có đúng hay không.
Đọc thêm: Hỗ trợ và kháng cự
d. Đường xu hướng và kênh giá
Đường xu hướng và kênh giá là các chuyển động rất đẹp của thị trường theo xu hướng. Tuy nhiên do là các đường xu hướng thường nằm chéo (so với hỗ trợ kháng cự nằm ngang) nên chúng sẽ không đáng tin cậy bằng hỗ trợ kháng cự. Ta vẫn dùng chúng, nhưng để mục đích tham khảo là chính.
Đọc thêm:
3. Các phương pháp giao dịch theo Price Action
Nói một cách chuẩn xác thì Price Action không phải là một phương pháp giao dịch nào cố định, riêng biệt và mới hoàn toàn cả. Price Action là giao thoa giữa phân tích mô hình nến, phân tích mẫu hình giá cổ điển và nhiều công cụ phân tích khác. Đôi khi nó còn được kết hợp với nhiều công cụ khác như fibonacci, thậm chí cả các chỉ báo khác. Nhưng có 2 đặc điểm mà nhìn vào là sẽ nhận ra ngay một phương pháp có phải là Price Action hay không, đó chính là:
- Vào lệnh tại các vùng hỗ trợ kháng cự
- Rất ít hoặc hầu như không có indicator.
Trong đó, điều đầu tiên là quan trọng nhất. Tất cả các nhà đầu tư sử dụng Price Action đều phân tích và vào lệnh tại các vùng hỗ trợ kháng cự, nơi lực cung cầu tăng mạnh và tăng cơ hội thắng so với việc vào lệnh tại một điểm ngẫu nhiên trên biểu đồ. Ngoài ra, nhà đầu tư nếu có sử dụng chỉ báo thì sẽ hạn chế đến mức tối đa, vì họ tin rằng các biến động của giá thể hiện qua biểu đồ là đủ thông tin cho họ rồi, và thường các chỉ báo được sử dụng đó chỉ là các chỉ báo lọc xu hướng, đường trung bình đơn giản.
Dưới đây là vài trường phái Price Action nhỏ trong thế giới Price Action rộng lớn:
Price Action thuần tuý
Tức là chỉ có biểu đồ giá, ngoài ra không còn gì khác. Không có chỉ báo nào, thậm chí không cần đến khối lượng nếu là giao dịch Forex. Nhà giao dịch Nial Fuller là một ví dụ điển hình cho trường phái Price Action này. Các nhà đầu tư theo Price Action thuần tuý thường rất nhạy về mô hình nến, vì nến là nguồn thông tin quan trọng nhất với họ. Nhà đầu tư theo Price Action thuần túy không tin tưởng lắm vào đường xu hướng, vì theo họ các vùng cản chéo như đường xu hướng sẽ không đáng tin cậy bằng cản ngang, vốn thể hiện lực cung cầu mạnh mẽ.
Price Action với khối lượng
Khối lượng có thể là nguồn thông tin rất hữu ích đặc biệt với nhà đầu tư, vì theo lý thuyết Dow, xu hướng đi kèm khối lượng tăng mạnh sẽ là xu hướng đáng tin cậy, và khi có sự phân kỳ (một cái tăng một cái giảm) giữa xu hướng và khối lượng, xu hướng đã yếu và chuẩn bị đảo chiều. Do đó phân tích Price Action cùng với khối lượng sẽ cho ra 1 vũ khí rất mạnh.
Price Action với khối lượng cũng là nguồn gốc của trường phái Volume Spread Analysis, vốn dựa trên công trình của Richard Wyckoff về mối quan hệ giữa khối lượng và khoảng cách (spread) giữa đỉnh và đáy của 1 thanh nến.
Price Action với chỉ báo
Các nhà đầu tư sử dụng Price Action đi kèm chỉ báo vẫn hiểu rõ tầm quan trọng của việc phân tích hành động giá, nhưng họ vẫn thấy giá trị trong việc sử dụng các chỉ báo.
Cái chỉ báo được nhiều nhà đầu tư sử dụng đi kèm với Price Action là đường trung bình động. Trong sách Price Action của AI Brooks, ông có hướng dẫn cách kết hợp Price Action với đường trung bình hàm mũ (EMA) 20 chu kỳ. Do đó, theo trường phái Price Action không có nghĩa là loại bỏ hết các chỉ báo, chỉ là hạn chế tối đa mà thôi.
Đọc thêm:
4. Tại sao nhà đầu tư mới nên bắt đầu áp dụng Price Action?
Đối với các nhà đầu tư vừa mới tìm hiểu về phân tích kỹ thuật, thì Price Action là phương pháp tốt nhất để bắt đầu. Nhà đầu tư mới nên bắt đầu học về hành động giá, không phải các chỉ báo.
Indicator vẫn có những giá trị rất riêng mà hành động giá hay các phương pháp khác không thể thay thế được. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư mới, các chỉ báo không phải là nơi lý tưởng để bắt đầu.
Rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp đã giao dịch lâu năm vẫn đang sử dụng các chỉ báo, nhưng là bởi vì họ đã giao dịch đủ lâu để hiểu được toàn bộ bản chất của các chỉ báo mà họ xài, và họ dễ dàng thấy được những cái sai của các chỉ báo để không bị mắc bẫy. Nhà đầu tư mới thì không, họ sẽ liên tục bị các chỉ báo lừa hết lần này tới lần khác, cho tới khi nản và bỏ cuộc.
Price Action, khi được nghiên cứu và học tập đúng đắn, sẽ cho nhà đầu tư thấy được và hiểu được một cách căn bản cách mà thị trường vận hành, vì Price Action chỉ lấy giá làm nguồn “nguyên liệu” đầu vào duy nhất, không biến chất, không thay đổi. Từ đó họ bắt đầu có các kỳ vọng thực tế hơn: Nhà đầu mới học về Price Action đầu tiên sẽ không thích bắt đỉnh đáy, không thích đi ngược xu hướng, và có những nền tảng đầu tiên rất vững chắc về cách phân tích cấu trúc thị trường. Thêm nữa, họ cũng không cần đi tìm kiếm các chỉ báo tuyệt đỉnh gì cả, họ hiểu các thông tin từ giá đã là quá đủ.
Giúp tiết kiệm thời gian
Chặng đường trở thành một nhà đầu tư có lợi nhuận đều đặn rất dài, và chúng ta phải tiết kiệm thời gian, tập trung học những thứ quan trọng nhất, thay vì lang thang kiếm một công thức đầu tư thần thánh.
Nhà đầu tư mới phải tập trung vào việc học cách vận hành của thị trường, quan sát nó và cố gắng hiểu được tâm tính của nó. Price Action giúp chúng ta làm được chuyện đó.
Khuyến khích tư duy và thái độ tốt của một nhà đầu tư
Nói cách khác, Price Action sẽ giúp các nhà đầu tư có kỳ vọng bớt ảo tưởng hơn, thực tế hơn.
Với một nhà đầu tư mới, các chỉ báo sẽ khiến anh ta cảm thấy mọi thứ sao mà dễ dàng quá. Mua vào khi RSI giảm xuống 30, và bán khi nó tăng lên 70. Hậu quả thế nào chắc ta đều biết.
Về bản chất, chỉ báo khiến một nhà đầu tư tập trung hơn vào TÍN HIỆU VÀO LỆNH, và khiến nhà đầu tư đó phải vào lệnh khi có tín hiệu. Đây là một khởi đầu rất tệ hại của một nhà đầu tư mới. Anh ta được các chỉ báo “dạy” cho các thời điểm nên vào lệnh.
Nhưng đối với một nhà đầu tư mới, điều đầu tiên nên học là khi nào không nên vào lệnh, và Price Action làm được chuyện đó.
Nhà đầu tư cần quan sát, học hỏi, và thấy được câu chuyện đang diễn ra trên thị trường, và hiểu được hoàn cảnh của câu chuyện lúc đó. Hành động vào lệnh hay không phải diễn ra sau khi nhà đầu tư hiểu được câu chuyện. Price Action dạy ta cách đọc câu chuyện mà thị trường muốn kể, thay vì đưa ra các tín hiệu mù mờ.
Nói cách khác, phương pháp Price Action nhấn mạnh vào khả năng phân tích và sự kiên nhẫn, thay vì các tín hiệu mua bán.
Xác định rõ ràng rủi ro
Mỗi mẫu hình Price Action khi xuất hiện đều xác định rõ ràng mức cắt lỗ (stop loss) hợp lý nên đặt. Với pin bar, ta có thể đặt cắt lỗ 1 khoảng so với đuôi nến. Với inside bar, stop loss nên được đặt vài mức giá so với nến mẹ. Các mức cắt lỗ này rất chặt chẽ và cho ta tỷ lệ rủi ro so với lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Nhà đầu tư theo Price Action luôn cân nhắc kỹ càng rủi ro trước khi vào lệnh, và khả năng quản lý vốn của họ cũng rất tốt.
Ngược lại, các chỉ báo rất khó có các mức cắt lỗ rõ ràng và hợp lý như vậy.
Suy cho cùng, bài này không phải là để tâng bốc Price Action hay phê phán các chỉ báo, vì mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm khác nhau. Price Action cũng có nhược điểm, nhưng ưu điểm của nó là giúp các nhà đầu tư mới không bị ảo tưởng, và tập trung vào những cái quan trọng trước tiên.
Đọc thêm:
Thông qua bài viết này, libra24h.com mong rằng đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về phương pháp giao dịch Price Action. Chúc bạn thành công!
Nguồn: TraderViet
Trung Phan