1. Ngân hàng trung ương
Ngân hàng trung ương là một tổ chức tài chính được đặc quyền kiểm soát việc sản xuất và phân phối tiền và tín dụng cho một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia.
Mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn định giá trị của tiền tệ, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn có mức độ độc lập nhất định đối với Chính phủ.
2. Tại sao các ngân hàng trung ương muốn can thiệp vào thị trường ngoại hối?
Các ngân hàng trung ương cho rằng sự can thiệp là cần thiết nhằm kích thích nền kinh tế hoặc duy trì tỷ giá hối đoái ở một mức mong muốn.
NHTW thực hiện điều này bằng cách mua ngoại tệ và bán nội tệ khi đồng nội tệ tăng giá khiến hàng xuất khẩu trong nước trở nên đắt đỏ hơn khi ra nước ngoài. Sự can thiệp này nhằm mang lại lợi ích cho nền kinh tế của quốc gia.
Trong hầu hết các trường hợp, sự can thiệp của ngân hàng trung ương được giới hạn trong phạm vi duy trì tỷ giá hối đoái ổn định. Mục đích của sự can thiệp này có thể là để đảo chiều xu hướng tỷ giá hối đoái, kiểm soát xu hướng thị trường, hoặc thao túng làm tăng giảm tỷ giá hối đoái. Ý định và hành vi của ngân hàng trung ương được coi là một yếu tố quan trọng đối với thị trường ngoại hối.
3. Ngân hàng trung ương thực hiện can thiệp như thế nào?
Các ngân hàng trung ương có nhiều cách để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Một cách tổng quát thì can thiệp của ngân hàng trung ương được chia thành hai nhóm chính: Can thiệp trực tiếp và can thiệp gián tiếp
3.1. Can thiệp trực tiếp
Phương pháp can thiệp trực tiếp của NHTW để buộc đồng nội tệ giảm giá bằng cách bán nội tệ ra thị trường, đổi đồng nội tệ lấy các đồng ngoại tệ khác trên thị trường ngoại hối.
- Can thiệp vô hiệu hóa: NHTW thực hiện can thiệp lên tỷ giá hối đoái nhưng vẫn không làm thay đổi lượng cung tiền trong lưu thông bằng cách sử dụng cùng một lúc hai nghiệp vụ, một nghiệp vụ mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, một nghiệp vụ dùng để bù trừ lại lượng cung cầu tiền bị thay đổi bởi nghiệp vụ can thiệp tỷ giá.
- Can thiệp không vô hiệu hóa: chỉ đơn thuần là một nghiệp vụ can thiệp tỷ giá trực tiếp và có làm thay đổi lượng cung tiền trong lưu thông.
3.2. Can thiệp gián tiếp
Sự can thiệp gián tiếp là khi ngân hàng trung ương tác động đến quy mô cung tiền trên thị trường bằng cách điều chỉnh một số chính sách và tiêu chuẩn tài chính và gián tiếp tác động đến tỷ giá hối đoái tiền tệ.
- Kinh doanh thị trường mở: bằng cách mua hoặc bán chứng khoán, hoạt động này làm tăng hoặc giảm lượng tiền cung ứng thị trường.
- Điều chỉnh tỷ lệ tái chiết khấu: các ngân hàng thương mại xin vay từ ngân hàng trung ương làm thay đổi nguồn tiền tệ trên thị trường.
- Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ: Dự trữ là tiền gửi của các tổ chức tài chính vào ngân hàng trung ương, việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiền gửi của các tổ chức tài chính và làm thay đổi lượng cung tiền.
Ngoài ra, NHTW có thể tác động đến giá trị đồng nội tệ một cách gián tiếp bằng cách tác động đến các yếu tố có ảnh hưởng đến đồng nội tệ
Thí dụ, NHTW có thể cố gắng hạ thấp lãi suất nội tệ để làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư vào chứng khoán trong nước, do đó tạo áp lực giảm giá đồng nội tệ
- Xem thêm: Rủi ro tỷ giá và cách phòng ngừa cho doanh nghiệp
- Xem thêm: Tỷ giá hối đoái là gì? Những điều bạn cần biết về tỷ giá hối đoái.
libra24h.com đã mang đến thông tin tổng quát nhất về cơ chế tác động đến thị trường ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Người tham gia giao dịch cần ghi nhớ rằng khi NHTW tham gia can thiệp, diễn biến trên thị trường ngoại hối sẽ trở nên rất biến động. Do đó, điều cần làm chính là thiết lập một tỷ lệ rủi ro thích hợp, sử dụng quản lý rủi ro thận trọng và không ngừng theo dõi mọi biến động trên thị trường.
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen