Mô hình giá là bức tranh toàn cảnh về cung – cầu hàng hóa trên thị trường, là công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật, giúp các nhà giao dịch biết được chính xác những gì xảy ra trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai gần. Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu về mô hình giá này nhé!
Đây là mô hình giá tương đối phức tạp, nhưng khi đã hiểu rõ Harmonic Pattern là gì và cách giao dịch với mô hình giá Harmonic như thế nào sẽ giúp bạn thu về những khoản lợi nhuận không hề nhỏ.
1. Mô hình Harmonic là gì?
Mô hình Harmonic hay còn gọi là Harmonic Pattern được phát minh và nghiên cứu bởi nhà đầu tư H.M.Gartley vào những năm 1932 – 1935. Trước đây, mô hình này được sử dụng chủ yếu trong giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên với tính năng đa dạng và công dụng hiệu quả, Harmonic đã được các nhà đầu tư sử dụng trong các giao dịch ngoại hối forex.
Tương tự như các mô hình giá khác, Harmonic biểu diễn những sự kiện lặp lại trong quá khứ bắt nguồn từ tâm lý của đa số các nhà đầu tư trên thị trường. Điểm khác biệt của mô hình Harmonic so với các chỉ số dao động khác là nó sử dụng các tỷ lệ Fibonacci để dự đoán các bước ngoặt.
Để hiểu rõ hơn về tỷ lệ Fibonacci, bạn có thể tham khảo bài viết:
Dãy số Fibonacci là gì? Cách áp dụng Fibonacci hiệu quả trong giao dịch chứng khoán
Cụ thể, giao dịch với Harmonic cung cấp cho các nhà giao dịch những điểm đảo chiều tiềm năng hoặc xu hướng đảo chiều chính xác. Ngoài ra, mô hình Harmonic còn có lợi thế trong việc cung cấp điểm vào lệnh, chốt lời hoặc cắt lỗ với tín hiệu đáng tin cậy bằng cách sử dụng kết hợp hai công cụ Fibonacci mở rộng (Fibonacci Extension) và Fibonacci thoái lui (Fibonacci Retracement).
Việc xác định các mô hình giá Harmonic được đánh giá là khá khó. Tuy nhiên, nếu biết cách nhận diện mô hình giá này, các nhà đầu tư có thể xác định được tín hiệu đảo chiều với tỷ lệ chính xác rất cao.
2. Các mô hình giá Harmonic phổ biến
Các dạng mô hình Harmonic rất phong phú. Nhưng phổ biến nhất là 5 mô hình Harmonic dưới đây:
2.1. Mô hình AB=CD
Mô hình AB = CD được xem là kiểu mô hình Harmonic đơn giản nhất. Nguyên nhân vì nó đòi hỏi ít yêu cầu hơn so với đa số các mô hình Harmonic còn lại. Hơn nữa, sự hình thành AB=CD pattern cũng rất dễ nhận diện trên đồ thị giá.

Sau đây là một số đặc điểm của mô hình Bullish AB=CD:
- Mô hình bắt đầu hình thành từ việc giá tăng từ điểm A đến điểm B.
- Sau đó tạo thành một bước ngoặt khi giá có sự điều chỉnh lại và giảm đến điểm C tại mức thoái lui từ 61.8% – 78.6% so với chiều cao của đoạn xu hướng AB
- Tại điểm C, mô hình lại tạo thành bước ngoặt quan trọng, giá quay đầu di chuyển đến điểm D tại mức mở rộng 127.2% – 161.8% so với chiều cao của xu hướng giảm BC, sao cho khoảng cách đoạn CD xấp xỉ bằng AB. Lúc này, các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ xảy ra sự đảo chiều tại D.
Về phân loại, mô hình AB=CD có 2 dạng chính là Bullish AB=CD (Mô hình AB=CD tăng) và Bearish AB=CD (Mô hình AB=CD giảm). Đặc điểm và cách xác định mô hình AB = CD giảm cũng tương tự như mô hình tăng ở trên. Đối với cả phiên bản tăng và giảm của mẫu biểu đồ ABCD, các dòng AB và CD được gọi là chân (legs) – trong khi BC được gọi là hiệu chỉnh (correction) hoặc thoái lui (retracement).
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết:
Bull Market – Bear Market là gì? Người mới bắt đầu cần biết gì về hai thị trường này?
2.2. Mô hình Gartley
Mô hình giá Gartley là mô hình phổ biến và lâu đời nhất. Mẫu Gartley hình thành khi hành động giá đang diễn ra trong một xu hướng tăng gần đây (hoặc xu hướng giảm) nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh.
Điều làm cho Gartley trở thành một thiết lập tuyệt vời là khi các điểm đảo chiều hình thành tại mức Fibonacci retracement và mức độ Fibonacci extension, cho thấy một dấu hiệu rất mạnh.
Cấu tạo của Gartley pattern gồm 5 điểm chính. Các điểm này có tên gọi và được đánh dấu lần lượt theo các chữ cái X, A, B, C và D. Nó có hình dạng giống chữ W hoặc chữ M.

Mô hình Gartley chỉ được xác nhận khi:
- Giá tăng từ X đến A sau đó lại điều chỉnh về B tại mức thoái lui 61.8% so với chiều cao của xu hướng tăng XA.
- BC di chuyển ngược hướng với AB và dừng lại tại mức Fibonacci 38.2% đến 88.6% so với chiều cao của xu hướng giảm AB.
- CD di chuyển ngược hướng so với BC và dừng lại ở D với mức di chuyển bằng khoảng 127,2% đến 161,8% độ cao của AB. Đồng thời D cũng là điểm thoái lui Fibonacci tại mức 78.6% so với chiều cao của xu hướng tăng XA.
Vùng D được gọi là vùng đảo chiều tiềm năng. Đây là nơi mà bạn có thể đặt các lệnh mua (long). Tuy nhiên để chắc chắn hơn, bạnh nên chờ đợi một số tín hiệu xác nhận tăng giá. Hãy nhớ đặt một lệnh cắt lỗ không quá xa bên dưới điểm D khi vào lệnh.
2.3. Mô hình Con bướm
Mô hình Con bướm hay còn gọi là mô hình Butterfly. Cũng giống với mô hình Gartley, Butterfly cũng có hình dạng giống chữ W hoặc chữ M và được cấu tạo từ 5 điểm X, A, B, C và D.

Để xác nhận một mô hình con bướm, các trader cần đảm bảo sự di chuyển của giá phù hợp với các tỷ lệ Fibonacci theo yêu cầu dưới đây (ví dụ về Bullish Butterfly):
- Giá di chuyển từ X đến A sau đó điều chỉnh về B tại mức thoái lui là 78.6% so với chiều cao của xu hướng XA.
- Tiếp theo tại B giá lại quay đầu đến điểm C tại mức thoái lui từ 38.2% – 88.6% so với chiều cao của xu hướng giảm AB.
- Tại C giá lại quay đầu đến D tại mức mở rộng 161.8% 261.8% so với chiều cao của đoạn AB. Đồng thời D cũng là mức thoái lui là 127.2% – 161.8% so với chiều cao của XA.
Sau khi điểm D được hoàn thành, thị trường quay ngược trở lại xu hướng tăng, là thời điểm thích hợp để nhà giao dịch vào lệnh mua (buy).
Ngược lại, đối với mô hình Bearish Butterfly, sau khi kết thúc mô hình, giá có xu hướng giảm, trader vào lệnh bán (sell).
2.4. Mô hình con cua (Crab Pattern)
Mô hình con cua được Scott Carney phát minh ra vào năm 2000 và được ông xem là một trong những mẫu hình giao dịch chính xác nhất trong phân tích kỹ thuật.
Mô hình cùng lại, mô hình cua cũng có 2 dạng chính là Bullish Carb và Bearish Crab như hình vẽ bên dưới:

Trong mô hình Bearish Crab:
- Giá bắt đầu giảm từ X đến A sau đó lại tăng về B tại mức thoái lui từ 38.2% – 61.8% so với chiều cao của đoạn xu hướng giảm XA.
- Tại B giá lại quay đầu giảm về C tại mức thoái lui từ 38.8% – 88.6% so với chiều cao của đoạn xu hướng tăng AB.
- Tiếp theo giá lại quay đầu tăng về điểm D tại mức mở rộng từ 261.8% – 361.8% so với chiều cao của đoạn xu hướng tăng AB. Đồng thời D cũng là mức thoái lui 161,8% đoạn XA.
Sau khi điểm D hoàn thành, thị trường có xu hướng giảm xuống, nhà giao dịch nên vào lệnh bán (sell). Và ngược lại đối với mô hình Bullish Crab.
Lưu ý, tại vùng D các trader có thể vào một lệnh dài và cắt lỗ ngay tại điểm bên dưới.
2.5. Mô hình con dơi (Bat Pattern)
Mô hình con dơi được cha đẻ phát triển vào năm 2001. Cụ thể, các đặc điểm của hành vi giá với tỷ lệ Fibonacci tương ứng được mô tả ở hình bên dưới.

Lấy ví dụ với mô hình con dơi tăng (Bullish Bat):
- Giá đi từ X lên điểm A sau đó giảm xuống B ở mức thoái lui là 38,2% – 50%.
- Tiếp theo, tại B giá lại điều chỉnh tăng lên điểm C tại điểm thoái lui từ 38,2% đến 88,6% so với chiều cao của đoạn xu hướng AB.
- Cuối cùng, tại C giá sẽ quay đầu giảm xuống D tại điểm mở rộng 161,8% đến 261,8% so với chiều cao của đoạn xu hướng AB.
Sau khi điểm D được hình thành, thị trường có xu hướng đi lên, tiếp tục xu hướng của đoạn tăng giá XA ban đầu, nhà giao dịch nên vào lệnh mua (buy). Và ngược lại đối với mô hình Bearish Bat.
3. Ưu – nhược điểm của Harmonic Pattern
Sau khi tìm hiểu các đặc điểm cơ bản của mô hình Harmonic, đa số các nhà đầu tư tỏ ra e dè không muốn lựa chọn Harmonic làm công cụ giao dịch vì độ phức tạp của nó. Tuy nhiên, người ta hiếm khi thành công khi chưa trải qua khó khăn.
Những thế mạnh và hạn chế của Harmonic Pattern được trình bày dưới đây sẽ giúp bạn củng cố thêm quyết định có nên sử dụng mô hình giá này hay không.
3.1. Ưu điểm của mô hình Harmonic:
- Harmonic Pattern cho tín hiệu giá đảo chiều và điểm cắt lỗ với tỷ lệ chính xác rất cao. Đó là lý do các mẫu hình Harmonic là một trong những chỉ báo hàng đầu.
- Mẫu hình Harmonic xuất hiện thường xuyên và lặp đi lặp lại, dự báo các biến động giá đáng tin cậy.
- Sử dụng tỷ lệ Fibonacci để chuẩn hóa các quy tắc giao dịch càng tăng thêm tín hiệu của cho các mẫu hình.
- Phát huy tốt tiềm năng trong điều kiện thị trường xác định; hoạt động trong tất cả khung thời gian giao dịch và có thể sử dụng kết hợp với nhiều chỉ báo kỹ thuật khác.
- Có tác dụng đo sức mạnh biên độ dao động của giá.

3.2. Nhược điểm của Harmonic Pattern:
- Như đã đề cập, các mô hình Harmonic tương đối phức tạp; các nhà giao dịch cần có chuyên môn tốt và kỹ thuật cao thì mới có thể nhận biết được mô hình và sử dụng thuần thục.
- Đôi khi, các chỉ báo Fibonacci lại tạo ra sự mâu thuẫn với các mẫu Harmonic khiến các trader khó khăn trong việc phát hiện các khu vực đảo chiều.
- Sẽ càng phức tạp hơn khi các mô hình Harmonic được hình thành từ cùng điểm đảo chiều trên các khung thời gian khác nhau.
- Tỷ lệ R:R (rủi ro:lợi nhuận) cho thấy sự không đối xứng và khá thấp.
4. Cách giao dịch với mô hình Harmonic
Phương pháp giao dịch với mô hình Harmonic cũng tương đối phức tạp giống cách thức hoạt động của nó. Do đó, đoạn viết dưới đây sẽ trình bày một cách tổng quát và dễ hiểu nhất có thể giúp bạn đọc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Trước tiên, điều kiện quan trọng khi sử dụng các mẫu Harmonic trong giao dịch là phải chờ đến khi mô hình được hình thành hoàn chỉnh. Để xác định được mô hình giá này, các bạn có thể tham khảo hướng dẫn sau đây:
- Bước 1: Nhận dạng được mô hình Harmonic tiềm năng
Lúc này, các trader cần xác định được chính mô hình thuộc kiểu mẫu Harmonic nào. Với mỗi mô hình AB=CD, mô hình Gartley, mô hình con dơi,… sẽ có phương pháp giao dịch riêng biệt.
- Bước 2: Sử dụng Fibonacci và vẽ đường xu hướng (trendline) để vẽ trên biểu đồ để xác định chính xác đây thuộc dạng mô hình gì.
Để xác định được, các bạn có thể thực hiện các thao tác dưới đây:
– Chọn biểu tượng Draw trendline trên thanh công cụ.
– Trên đồ thị giá, xác định điểm X.
– Tiếp theo, bắt đầu xác định điểm đáy hoặc đỉnh theo xu hướng thị trường.
– Nối 4 đáy hoặc đỉnh vừa đặt để tạo thành mô hình Harmonic.
– Tiếp theo hãy dùng Fibonacci để đo tỷ lệ của các điểm đảo chiều, sau đó đối chiếu với cá điểm Fibonacci tương ứng với từng mô hình.
- Bước 3: Tiến hành đặt lệnh mua hoặc bán, điểm chốt lời và cắt lỗ theo từng dạng mẫu hình Harmonic.
Chú ý, bất kể mô hình giá hoặc mô hình nến nào cũng có sự tương đối nhất định, không ai có thể đảm bảo 100% nó sẽ chắc chắn xảy ra. Tương tự với mẫu hình Harmonic, để nâng cao tỷ lệ thành công khi đầu tư, các nhà giao dịch cần biết cách tận dụng triệt để thế mạnh của harmonic và kết hợp nó với các công cụ phân tích kỹ thuật khác nữa.
Xem thêm:
Các mô hình phân tích kỹ thuật chứng khoán thông dụng mà bạn cần biết
4 chiến lược đầu tư mà người trẻ có thể học tập từ Warren Buffett
Hy vọng qua những kiến thức trên, libra24h.com đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về mô hình giá Harmonic và cách áp dụng Harmonic hiệu quả trong giao dịch. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Chi Nguyễn