Trong chứng khoán, có nhiều công cụ phân tích kỹ thuật (TA) và chỉ số mà các nhà giao dịch có thể sử dụng để thử và dự đoán chuyển động giá trong tương lai. Trong đó, dãy số Fibonacci được nhiều nhà đầu tư sử dụng trong phân tích chứng khoán nhằm xác định điểm hỗ trợ hay kháng cự của cổ phiếu. Các điểm đảo chiều có thể là cơ hội để đạt được lợi nhuận mong muốn. Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu về dãy số này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Dãy số Fibonacci trong phân tích chứng khoán
Dãy số Fibonacci được nhà toán học người Ý thời Trung cổ – Leonardo Pisano Bigollo sáng tạo và đặt theo tên ông. Đây là dãy số thể hiện những tỷ lệ có xác suất xảy ra cao trong tự nhiên.
Trong phân tích đầu tư chứng khoán, dãy số Fibonacci được ứng dụng để xác định các mức hỗ trợ (mức giá kỳ vọng cổ phiếu không giảm quá mức giá này) và kháng cự (mức giá kỳ vọng cổ phiếu sẽ đạt) của đường giá cổ phiếu. Các mức phổ biến là 0%; 23,6%; 38,2%; 50%; 61,8% và 100% …
Các tỷ lệ này rất hữu ích vì chúng dự đoán một động thái tương tự với những gì vừa xảy ra trên biểu đồ giá. Các con số Fibonacci này phản ánh giá có thể đi bao xa sau một mức di chuyển giá trước đó.
Ví dụ: nếu một cổ phiếu tăng từ $1 đến $2; sau đó mức giảm xuống $1.76 là mức thoái lui 23.6% của mức di chuyển giá $1 trước đó.
2. Phân loại dãy số Fibonacci
Một số nhà đầu tư tin rằng số Fibonacci đóng một vai trò quan trọng trong tài chính. Như đã thảo luận ở trên, dãy số Fibonacci có thể được sử dụng để tạo ra tỷ lệ mà các nhà đầu tư sử dụng. Chúng bao gồm: 23.6%, 38.2%, 50% 61.8%, 78.6%, 100%, 161.8%, 261.8%, 423.6%. Các tỷ lệ này được áp dụng bằng nhiều kỹ thuật khác nhau:
2.1. Fibonacci thoái lui (Fibonacci Retracement)
Fibonacci retracement là một công cụ rất phổ biến, được sử dụng nhiều bởi các nhà giao dịch theo trường phái kỹ thuật.
Bằng các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ, công cụ này giúp họ xây dựng chiến lược trong giao dịch, lựa chọn các mức giá mục tiêu hoặc cắt lỗ hợp lý.
Khái niệm Fibonacci thoái lui còn được áp dụng trong một số chỉ báo như mẫu hình Gartley hay lý thuyết sóng Elliott nổi tiếng và nhiều chỉ báo khác.
Fibonacci thoái lui sử dụng các đường ngang để chỉ ra các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự. Các cấp độ được tính bằng cách sử dụng các điểm cao và thấp của biểu đồ. Sau đó, năm đường sẽ được vẽ: đường đầu tiên ở mức 100% (mức cao trên biểu đồ), đường thứ hai ở mức 61.8%, đường thứ ba ở mức 50%, đường thứ tư ở mức 38.2% và đường cuối cùng là 0% (mức thấp trên biểu đồ). Sau một đợt biến động giá lên hoặc xuống đáng kể, các mức hỗ trợ và kháng cự mới thường nằm gần hoặc tại các đường này.
2.2. Fibonacci vòng cung (Fibonacci Arc)
Fibonacci vòng cung là những chuyển động giống như la bàn xuất phát từ mức cao hoặc mức thấp đại diện cho các khu vực hỗ trợ và kháng cự.
Xác định điểm cao và thấp của biểu đồ là bước đầu tiên để tạo ra các Fibonacci vòng cung. Sau đó, với chuyển động giống như la bàn, ba đường cong sẽ được vẽ ở 38.2%, 50% và 61.8% từ điểm mong muốn. Các đường này dự đoán các mức hỗ trợ và kháng cự, cũng như các phạm vi giao dịch.
2.3. Fibonacci quạt (Fibonacci Fan)
Fibonacci quạt là các đường chéo được tạo ra bằng cách sử dụng mức cao và mức thấp đại diện cho các khu vực hỗ trợ và kháng cự.
Fibonacci quạt bao gồm các đường chéo. Sau khi định vị được điểm cao và thấp của biểu đồ, một đường thẳng đứng vô hình sẽ được vẽ qua điểm ngoài cùng bên phải. Đường vô hình này sau đó được chia thành 38.2%, 50% và 61.8%, và các đường chéo sẽ được vẽ từ điểm ngoài cùng bên trái qua mỗi điểm này. Các đường này sẽ chỉ ra các khu vực hỗ trợ và kháng cự.
Ngoài ra còn một số loại Fibonacci khác như: Fibonacci mở rộng (Fibonacci Extension), Fibonacci vùng thời gian (Fibonacci Time Zone),…
3. Hạn chế của việc sử dụng Fibonacci
Việc sử dụng các nghiên cứu Fibonacci được cho là theo khuynh hướng chủ quan vì nhà đầu tư phải sử dụng các mức cao và thấp do họ lựa chọn. Phụ thuộc vào sự lựa chọn mức cao và mức thấp sẽ ảnh hưởng đến kết quả mà nhà đầu tư nhận được.
Một tranh cãi khác phản đối các phương pháp giao dịch Fibonacci là có quá nhiều cấp độ thuộc các chỉ số Fibonacci khiến thị trường nhất định phải thay đổi hướng nếu gần một trong các mức đó. Điều này làm cho các chỉ báo chỉ có ý nghĩa sau khi sự chuyển động giá đã diễn ra. Vấn đề khó khăn nhất ở đây là rất khó để nhận biết được con số hoặc cấp độ nào thật sự quan trọng trong thời gian thực hoặc trong tương lai.
4. Cách sử dụng Fibonacci trong giao dịch chứng khoán
Trong phân tích kỹ thuật chứng khoán, Fibonacci được áp dụng theo nhiều dạng khác nhau, phổ biến nhất là Fibonacci Retracement (các dạng khác kể đến Fibonacci Extension, Fibonacci Fan, Fibonacci Time Zones).
Việc đầu tiên cần làm khi sử dụng Fibonacci trong phân tích chứng khoán đó là xác định mức giá đỉnh và đáy của cổ phiếu trong một giai đoạn. Nhà đầu tư chọn công cụ phân tích Fibonacci trong các phần mềm phân tích kỹ thuật và kẻ đường thắng nổi giữa đáy và đỉnh của đường giá cổ phiếu để tạo lập dãy Fibonacci.
4.1. Xác định mức hỗ trợ/kháng cự khi cổ phiếu đạt đỉnh
Sau khi xác định được đỉnh và đáy, dãy số Fibonacci sẽ được xác định. Các mốc 23,6%; 38,2%, 61,8% … trở thành các điểm hỗ trợ của cổ phiếu. Điều này xảy đến khi cổ phiếu đạt đỉnh và có dấu hiệu chững lại.
Khi giá cổ phiếu giảm và tiến tới các mốc hỗ trợ của Fibonacci, diễn biến giá cổ phiếu có thể đảo chiều sang tăng. Trường hợp giá tiếp tục giảm thì mốc Fibonacci tiếp theo sẽ trở thành mốc hỗ trợ kế tiếp.
4.2. Xác định mức hỗ trợ/kháng cự khi cổ phiếu xuống đáy
Sau khi đỉnh và đáy cổ phiếu được xác định. Các mốc Fibonacci quan trọng sẽ trở thành điểm kháng cự của cổ phiếu. Điều này xảy đến khi cổ phiếu xuống đáy và có dấu hiệu đi lên.
Khi giá cổ phiếu tăng và tiến tới các mốc kháng cự của Fibonacci, diễn biến cổ phiếu có thể đảo chiều từ tăng sang giảm trở lại. Trường hợp giá tiếp tục tăng quá kháng cự thì mốc Fibonacci tiếp theo sẽ là kháng cự mới.
Lưu ý, khi các đường giá cổ phiếu vượt qua mốc hỗ trợ/kháng cự thì các mốc hỗ trợ/kháng cự trước đó sẽ trở đảo ngược thành các mốc kháng cự/hỗ trợ cho giá.
Trong quá trình phân tích, nhà đầu tư nên xem xét diễn biến giao dịch và kết hợp với các công cụ phân tích khác để đưa ra quyết định mua hay bán.
Dãy số Fibonacci là một công cụ phân tích đặc biệt hữu ích trong phân tích cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hay bán hợp lý bằng cách xác định các điểm hỗ trợ, kháng cự. Các điểm đảo chiều khi sử dụng Fibonacci cũng là cách mà nhà đầu tư có thể bắt đáy hay bán đỉnh để đạt lợi nhuận tối đa.
Xem thêm:
Các mô hình phân tích kỹ thuật chứng khoán thông dụng mà bạn cần biết
Hy vọng qua những kiến thức trên, libra24h.com đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về dãy số Fibonacci và cách áp dụng Fibonacci trong giao dịch chứng khoán. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Chi Nguyễn