Dự trữ ngoại hối là tài sản nước ngoài do ngân hàng trung ương của một quốc gia nắm giữ. Vậy dự trữ ngoại hối có tầm quan trọng như thế nào và đâu là đồng tiền được dự trữ nhiều nhất trên thế giới? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Libra24h.com để tìm được đáp án cho các câu hỏi trên nhé!
1. Dự trữ ngoại hối là gì?
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF – International Monetary Fund) định nghĩa dự trữ ngoại hối là tài sản ngoại tệ mà cơ quan tiền tệ của một quốc gia có thể sử dụng để đáp ứng cân bằng nhu cầu thanh toán tài chính, có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trên thị trường tiền tệ và các mục đích khác có liên quan.
Tài sản nước ngoài bao gồm các tài sản không có gốc nội tệ của quốc gia đó. Ví dụ, trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nắm giữ là tài sản nước ngoài đối với Nhật Bản.

Nói cụ thể hơn, đối với hầu hết các ngân hàng trung ương (hoặc cơ quan quản lý tiền tệ trung ương), dự trữ ngoại hối bao gồm ngoại tệ (tiền mặt) không tạo ra thu nhập và trái phiếu chính phủ nước ngoài (công cụ thu nhập cố định) tạo ra thu nhập dưới hình thức trả lãi. Tài sản nước ngoài tạo ra thu nhập bằng ngoại tệ. Ví dụ, trái phiếu chính phủ Mỹ trả lãi bằng đô la Mỹ, và trái phiếu chính phủ Nhật trả lãi bằng yên Nhật.
Xem thêm: Ngân hàng trung ương đã tác động vào thị trường ngoại hối như thế nào?
2. Vì sao phải dự trữ ngoại hối?
Dự trữ ngoại hối có thể bao gồm tiền giấy, tiền gửi, trái phiếu, tín phiếu kho bạc và các chứng khoán chính phủ khác. Dự trữ ngoại hối phục vụ cho nhiều mục đích nhưng quan trọng nhất là để đảm bảo rằng cơ quan chính phủ trung ương có quỹ dự phòng nếu đồng tiền quốc gia của họ mất giá nhanh chóng hoặc trở nên mất khả năng thanh toán.

Một thực tế phổ biến ở các nước trên thế giới là ngân hàng trung ương của họ giữ một lượng dự trữ ngoại hối đáng kể. Hầu hết các khoản dự trữ này được giữ bằng đô la Mỹ vì nó là loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, các quốc gia còn dự trữ các ngoại hối khác bao gồm đồng bảng Anh (GBP), đồng Euro (EUR), đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) hoặc đồng yên Nhật (JPY).
3. Tầm quan trọng của đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối
Đồng đô la Mỹ được coi là “tiền tệ toàn cầu” và được sử dụng cho phần lớn các giao dịch quốc tế. Trên thực tế, hầu hết các giao dịch quốc tế đều sử dụng đô la Mỹ ngay cả khi Hoa Kỳ không phải là một trong các bên giao dịch. Ngoài ra, hầu hết các thị trường hàng hóa (như dầu thô và vàng) đều sử dụng đồng đô la Mỹ.
Một trong những lý do khiến đồng đô la Mỹ được coi là tiền tệ toàn cầu là bởi vì Hoa Kỳ là nơi có thị trường tài chính phát triển tốt và các thể chế chính trị và luật pháp mạnh mẽ. Do đó, đồng đô la Mỹ là một đồng tiền tương đối ổn định. Điều này có nghĩa là các bên giao dịch không cần phải lo lắng về giá trị các khoản thanh toán của họ dao động mạnh.
Xem thêm: Petrodollar là gì? Tương lai nào cho đồng tiền dầu mỏ phổ biến nhất thế giới?
Ngoài ra, người nắm giữ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ không cần phải lo lắng về việc chính phủ Hoa Kỳ không trả được lãi suất cho trái phiếu. Đồng đô la Mỹ cũng được sử dụng rộng rãi cho các khoản đầu tư xuyên biên giới. Gần 58% tất cả các khoản vay quốc tế của các ngân hàng được thực hiện bằng đồng tiền của Hoa Kỳ.

Tương tự như đô la Mỹ, đồng Euro cung cấp cho người nắm giữ quyền tiếp cận thị trường chung rộng lớn (Khu vực đồng tiền chung châu Âu) bao gồm các thể chế chính trị và luật pháp phát triển tốt.
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS – Bank for International Settlements), năm 2019, đồng euro chiếm 32,2% tổng giao dịch ngoại hối toàn thị trường, giảm 6,7% so với năm 2010, trong khi, tỷ trọng của đồng yen giảm từ 19% xuống còn 16,8% trong cùng giai đoạn. Chỉ có 4,3% các giao dịch ngoại hối toàn cầu sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT), ít hơn đáng kể so với con số 6,8% của đồng đôla Australia (AUD).
Trong bài phân tích đăng tải trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), tác giả David Uren thuộc Đại học Sydney nhận định Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nỗ lực làm suy yếu sự thống trị của đồng đô la Mỹ (USD) trong hệ thống thanh toán toàn cầu, song đồng bạc xanh vẫn hiện diện trong khoảng 88% toàn bộ số giao dịch ngoại tệ thế giới trong suốt 18 năm qua.
Thị trường ngoại hối thế giới, có tổng số giao dịch trị giá lên tới 6,6 tỷ USD mỗi ngày, chỉ là một trong những nhân tố tạo ra sự thống trị cho đồng USD. Các nhân tố khác bao gồm 63% nợ chứng khoán bằng đồng USD (so với con số 20% bằng đồng euro) và 40% các giao dịch tài chính xuyên biên giới.
Đồng USD thường được sử dụng là loại tiền tệ xác lập hóa đơn cho các giao dịch xuất khẩu thế giới, nhiều gấp ba lần tổng số các giao dịch xuất khẩu có nguồn gốc từ Mỹ. Khoảng 70% các quốc gia trên thế giới ấn định giá trị đồng tiền nội tệ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cùng dựa trên đồng USD.
4. Dự trữ ngoại hối tại Việt Nam
Hơn thế nữa, đồng USD cũng là đồng tiền được các ngân hàng trung ương thế giới lựa chọn. Những ngân hàng này dùng đồng USD cho 62% tổng lượng dự trữ ngoại hối của họ, trong đó có Việt Nam.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố vào tháng 11 năm 2021, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết giá trị dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt mốc 105 tỷ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam.
Với Việt Nam, đà tăng mạnh những năm vừa qua ghi nhận chủ yếu từ hoạt động mua ròng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện, được đại diện Chính phủ cập nhật tại một số thời điểm thời gian qua.
Như vậy những thông tin cơ bản về dự trữ ngoại hối đã được Libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
- Bạn đọc tham khảo:
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng