1. Petrodollar là gì?
Petrodollar là đồng đô la Mỹ được trả cho một quốc gia xuất khẩu dầu để mua dầu mỏ.
Đồng đô la là loại tiền tệ toàn cầu ưu việt. Hầu hết các giao dịch quốc tế, bao gồm cả mua bán dầu, đều được định giá bằng đô la. Thay vì được trả đồng tiền riêng của nước mình, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhận được đồng đô la khi bán dầu cho các quốc gia cần dầu.
2. Lịch sử đồng Petrodollar
Nguồn gốc của hệ thống đồng petrodollar bắt nguồn từ Thỏa thuận Bretton Woods – thỏa thuận thay thế bản vị vàng bằng đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ dự trữ. Theo thỏa thuận, đồng đô la Mỹ được cố định với vàng, trong khi các loại tiền tệ toàn cầu khác được cố định với đồng đô la Mỹ. Nhưng vì tình trạng lạm phát đình trệ lớn và thâm hụt thương mại Mỹ gia tăng khiến giá trị đồng đô la mỹ suy giảm. Rất nhiều quốc gia lo sợ và họ mang USD dự trữ để đổi lấy vàng từ Mỹ, dự trữ vàng của Mỹ ở mức thấp nhất mọi thời đại và có nguy cơ suy kiệt.
- Xem thêm: Sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods

Để bảo vệ lượng vàng dự trữ còn lại của Hoa Kỳ, ngày 15/8/1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng cửa sổ vàng. Theo đó, đồng đô la Mỹ chính thức từ bỏ tiêu chuẩn vàng và rằng đồng bạc xanh sẽ không còn được đổi lấy vàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Hoa Kỳ.
Sau khi từ bỏ chế độ bản vị vàng, Mỹ nhắm tới Dầu Mỏ để biến nguồn tài nguyên này trở thành thứ giữ giá trị đồng dollar với 1 kế hoạch đó là bắt tất cả các quốc gia khác nếu muốn mua bán dầu, giao dịch dầu đều phải sử dụng dùng đồng Dollar Mỹ.
Thế nhưng Mỹ lại không có dầu mỏ. Do đó Mỹ đã nhắm tới Arabia Saudi, quốc gia có trữ lượng và số lượng khai thác dầu mỏ lớn bậc nhất thế giới, Vậy là thỏa thuận Mỹ – Arabia Saudi ra đời.
Theo đó: Mỹ sẽ bảo kê cho Arabia Saudi. Mỹ cũng đồng ý cung cấp vũ khí cho Arabia, và có lẽ quan trọng nhất là bảo vệ ngai vàng hoàng tộc nhà Arabia khỏi bị Israel xâm lược và lật đổ.
Đổi lại, Arabia Saudi phải đáp ứng 2 điều khoản. Nhà nước Arabia phải từ chối tất cả các loại tiền tệ khác để thanh toán cho việc mua dầu mỏ ngoại trừ đồng đô la Mỹ. Sau Arabia Saudi, lần lượt toàn bộ các nước Ả Rập tại Trung Đông. Và cho tới năm 1975, toàn bộ OPEC cũng đều thực hiện 2 điều khoản này để đổi lấy cam kết của Mỹ.
Dầu mỏ, thị trường nguyên liệu lớn nhất, được thanh toán hoàn toàn bằng đôla Mỹ. Nếu bạn muốn mua một thùng dầu mỏ, bạn phải đổi tiền tệ của bạn lấy đôla Mỹ và dùng nó để trả cho nhà cung cấp dầu. Trong một giao dịch như vậy, bạn làm suy yếu đồng tiền của bạn và củng cố giá trị của đồng đô la bằng cách làm gia tăng nhu cầu cần nó.
3. Đặc điểm của đồng Petrodollar
Bởi vì đồng Petrodollar được mệnh giá bằng đô la Mỹ – hay còn gọi là đồng bạc xanh, nên sức mua thực sự của chúng phụ thuộc vào cả tỷ lệ lạm phát cốt lõi của Hoa Kỳ và giá trị của đồng đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là đồng đô la dầu (Petrodollar) sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế giống như cách mà đồng đô la Mỹ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu giá trị của đồng đô la giảm, thì giá trị của đồng đô la hóa dầu cũng như doanh thu của chính phủ quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng giảm theo.
Hệ thống đồng Petrodollar tạo ra thặng dư, dẫn đến dự trữ đô la Mỹ lớn cho các nước xuất khẩu dầu. Điều này có nghĩa là lượng đô la thu được từ việc bán dầu đó có thể được chuyển vào tiêu dùng và đầu tư trong nước, được sử dụng để cho các quốc gia khác vay hoặc được đầu tư trở lại Hoa Kỳ.
4. Ưu điểm và nhược điểm của đồng Petrodollar
Đồng đô la dầu mỏ đã giúp nâng cao vị thế của đồng đô la Mỹ trên thị trường tài chính, vì dầu là loại hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, mà giá của nó lại được liên kết với đồng đô la. Điều này đã hỗ trợ phần nào biến đồng đô la trở thành đồng tiền thống trị nhất thế giới, cho phép đồng đô la liên tục tài trợ cho thâm hụt tài khoản của mình bằng cách phát hành tài sản bằng đô la với tỷ giá rất thấp. Điều này cũng cho phép Hoa Kỳ nắm quyền kiểm soát kinh tế đáng kể trên toàn cầu.
Tuy nhiên, về nhược điểm, vì Hoa Kỳ là đồng tiền dự trữ của thế giới, nên nó phải thâm hụt tài khoản để đáp ứng các yêu cầu về dự trữ trong nền kinh tế toàn cầu đang liên tục mở rộng. Nếu những thâm hụt này được ngăn chặn thì tình trạng thiếu thanh khoản sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Tuy nhiên về phía ngược lại, nếu những thâm hụt này vẫn tiếp tục thì các quốc gia khác sẽ mất niềm tin vào đồng đô la. Điều này có thể khiến đồng đô la này mất vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tình trạng này được gọi là Thế lưỡng nan Triffin.
5. Tương lai của đồng Petrodollar
Với sự suy giảm sức mua của đồng bạc xanh, một số quốc gia bắt đầu tranh luận về lợi ích của hệ thống đồng đô la hóa dầu. Các quốc gia như Iran, Nga và Ấn Độ đã cân nhắc về việc chuyển giá trị cơ bản của hàng hóa xuất khẩu sang đồng tiền của họ thay vì đồng đô la Mỹ.
Trung Quốc cũng đang rời bỏ việc sử dụng đồng Petrodollar và chuyển qua định giá hàng hóa bằng đồng Nhân dân tệ. Đặc biệt Trung Quốc còn gây áp lực lên Ả Rập Xê Út để sử dụng đồng Petroyuan (đồng Nhân dân tệ hóa dầu) thay vì đồng Petrodollar (đô la hóa dầu).
Nếu đồng Petrodollar sụp đổ, sẽ có một sự suy thoái kinh tế đáng kể vì điều này có nghĩa là giá trị của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới có thể sẽ không còn được giữ, và điều này tác động rất mạnh đến số dư đô la của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nếu Petrodollar chỉ bị loại bỏ dần dần và thay thế bằng một đồng tiền khác, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ, thị trường có thể vẫn ổn định nhưng đồng đô la sẽ mất sức mạnh đáng kể.
Bài viết trên đã cung cấp cái nhìn toàn diện về đồng Petrodollar. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về thị trường tài chính thế giới, bạn đọc hãy tiếp thục theo dõi những bài viết tiếp theo của libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen