1. Chỉ số S&P 500 là gì?
Chỉ số S&P 500 (viết đầy đủ trong tiếng Anh là Standard & Poor’s 500 Stock Index – Chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor) là một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ.
Các công ty được chọn để đại diện cho S&P 500 là những công ty lớn nhất và lâu đời nhất ở Hoa Kỳ mở cửa cho giao dịch công khai, chẳng hạn như Apple Inc., Amazon.com Inc., Johnson & Johnson và Microsoft Corp.
Nó chính thức được giới thiệu vào ngày 4 tháng 3 năm 1957 bởi Standard & Poor. Vào ngày 7 tháng 1 năm 2022, S&P 500 được công bố có lợi tức trung bình trong vòng 10 năm qua là 13,9%.
Tỉ lệ và loại cổ phiếu sử dụng để tính toán chỉ số S&P 500 được quyết định bởi hãng S&P Dow Jones Indices. Điều này khiến chỉ số S&P 500 khác với các chỉ số thị trường chứng khoán khác của Mỹ như chỉ số công nghiệp Dow Jones hay chỉ số Nasdaq Composite.
Nó thể hiện hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán bằng cách báo cáo rủi ro và lợi nhuận của các công ty lớn nhất. Chỉ số S&P 500 là một trong những chỉ số khách quan và được quan tâm nhất, rất nhiều nhà đầu tư coi đây là thước đo tốt nhất của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ cũng như là một chỉ số chủ đạo của nền kinh tế.
2. Công thức tính chỉ số S&P 500
Chỉ số S&P500 cấu thành từ 500 công ty, do đó chỉ cần lấy tổng vốn hóa thị trường của 500 công ty trong danh sách S&P 500 chia cho 1 ước số (Divisor).
Ta có công thức tính như sau:
Chỉ số S&P500= (Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 500 công ty) / (Ước số)
Với công thức này, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được 2 yếu tố cấu thành nên chỉ số S&P 500, đó là giá trị vốn hóa thị trường của từng công ty thành phần và ước số.
Giá trị vốn hóa thị trường
Giá trị vốn hóa thị trường (Market Cap) là tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết trên thị trường.
Giá trị vốn hóa thị trường = Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành x Giá thị trường của một cổ phiếu
- Xem thêm: Tìm hiểu về vốn hóa thị trường
Ước số
Ước số (Divisor) là 1 con số độc quyền được phát triển bởi Standard & Poor và được điều chỉnh khi có sự phân chia cổ phiếu hoặc cổ tức đặc biệt nào đó mà nó có thể ảnh hưởng đến giá trị của các chỉ số. Ước số này đảm bảo rằng các yếu tố phi kinh tế không thể tác động đến chỉ số S&P 500.
Ước số không phải là một hằng số mà nó luôn luôn được điều chỉnh trong một số trường hợp như phát hành cổ phiếu, chia tách/sáp nhập công ty, mua lại cổ phần, thay đổi công ty thành viên… điều này đảm bảo các sự kiện trên không ảnh hưởng đến giá trị cuối cùng của chỉ số.
Ước số luôn được Standard & Poor’s bảo mật, nhưng giá trị thông thường của nó sẽ xấp xỉ 8.9 tỷ.
Ví dụ, nếu tổng giá trị vốn hóa thị trường của 500 cổ phiếu thành phần là 20 nghìn tỷ đô la Mỹ và ước số là 8.9 tỷ, thì chỉ số S&P 500 là 2247,19.
3. Các yếu tố tác động đến chỉ số S&P 500
Chỉ số S&P 500 phụ thuộc vào giá trị của các công ty thành phần tạo nên chỉ số. Do đó khi xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng đến các công ty thành phần thì cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị của S&P 500. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến có khả năng tác động đến giá trị chỉ số S&P 500:
Yếu tố kinh tế
- Chính sách ngân hàng trung ương: Các chính sách tiền tệ theo quy định của Cục Dự trữ Liên bang (FED) ảnh hưởng đến chi phí vay điều đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản đầu tư của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng.
- Hiệu quả kinh tế: Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng, việc làm sẽ tăng cao. Người lao động tạo ra được nguồn thu và tăng năng suất. Do đó, nhiều cổ phiếu tăng giá do chi tiêu tăng lên trên toàn nền kinh tế.
- Định giá tiền tệ: Đồng đô la Mỹ mạnh giúp các công ty mua hàng nhập khẩu rẻ hơn, còn nếu đồng đô yếu thì sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu sẽ cạnh tranh hơn trên quốc tế.
- Giá cả hàng hóa: Các mặt hàng chính là khối xây dựng cơ bản cho nền kinh tế toàn cầu, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi giá trị của nhiều cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí của hàng hóa
Yếu tố khác
Ngoài ra, giá trị chỉ số của S&P500 cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, thiên tai, bầu cử và các chính sách của chính phủ.
Chẳng hạn như căng thẳng chính trị leo thang gần đây tại Ukraine đã khiến Phố Wall mở phiên 24/02/2022 trong sắc đỏ. Áp lực bán tháo mạnh khiến các chỉ số chủ chốt đều lùi sâu.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 2,5% khi mở cửa, đi sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số này tính tới đầu phiên ngày 24 đã giảm gần 14% so với mức đóng cửa kỷ lục vào ngày 03/01/2022.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi đóng cửa, lực mua ồ ạt bắt đáy khi thị trường giảm sâu đã kéo Phố Wall trở lại sắc xanh trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 vọt lên hơn 63 điểm, đóng cửa tăng 1,5%.
Có thể thấy cổ phiếu không phải lúc nào cũng di chuyển theo cách chúng ta mong đợi. Là một nhà đầu tư chứng khoán, ngoài việc nắm vững kiến thức tài chính thì thường xuyên cập nhật tin tức mới trong và ngoài nước cũng rất quan trọng.
- Bạn đọc tham khảo:
Chỉ số S&P 500 lần đầu rơi vào trạng thái điều chỉnh kể từ năm 2020
Giải mã cơn sốt cổ phiếu Meme trên thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2021
Như vậy những thông tin cơ bản về chỉ số S&P 500 đã được Libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng