Arbitrage – kinh doanh chênh lệch giá là một nghiệp vụ quan trọng trong ngoại hối. Vậy kinh doanh chênh lệch giá là gì, Arbitrage gồm bao nhiêu loại và có rủi ro không nếu thực hiện các giao dịch Arbitrage trong ngoại hối? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của libra24h.com để tìm được đáp án cho các câu hỏi trên nhé!
1. Kinh doanh chênh lệch giá Arbitrage là gì?
Khái niệm
Kinh doanh chênh lệch giá Arbitrage (hay còn gọi là acbit, đảo hối) là nghiệp vụ quan trọng trong giao dịch ngoại hối nhằm sử dụng chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường tại cùng một thời điểm để thu lợi nhuận. Ta có thể hiểu đơn giản Arbitrage là mua ở nơi có giá rẻ và bán ở nơi có giá cao hơn – “mua rẻ bán đắt”.
Vì hành vi mua và bán diễn ra tại cùng một thời điểm, nên về mặt lý thuyết thì kinh doanh chênh lệch giá không hề chịu rủi ro tỷ giá và không phải “chôn vốn” trong một thời gian dài.
Nghiệp vụ Arbitrage không chỉ xuất hiện ở thị trường ngoại hối Forex mà còn lan rộng đến những thị trường khác như: chứng khoán, tiền điện tử.
Đặc điểm
Kinh doanh chênh lệch giá Arbitrage có một số đặc điểm chính sau đây:
- Thời gian: mua, bán xảy ra đồng thời
- Rủi ro tỷ giá: không chịu rủi ro tỷ giá
- Vốn kinh doanh: vốn không bị cột vào bất cứ thời gian nào
- Địa điểm kinh doanh: tại 2 thị trường trở lên
- Cơ hội kinh doanh: tồn tại trong chớp nhoáng, chỉ thoáng qua
- Lãi kinh doanh: có thể tính toán và biết trước
2. Các loại kinh doanh chênh lệch giá
Kinh doanh chênh lệch giá 2 điểm
Kinh doanh chênh lệch giá 2 điểm (Arbitrage 2 điểm) được thực hiện dựa trên sự chênh lệch lệch tỷ giá tại 2 thị trường khác nhau. Nghiệp vụ này dễ nhận biết và được thực hiện khá đơn giản.
Ví dụ:
Giả sử, giá Bid – Ask tại 2 thị trường sau:
Thị trường A: USD/EUR = 1,1597 – 1,1601
Thị trường B: USD/EUR = 1,1603 – 1,1606
Bạn bỏ ra 1,1601 triệu USD để mua 1 triệu EUR (mua theo giá Ask) tại thị trường A và ngay lập tức bán 1 triệu EUR đó tại thị trường B để thu về 1,1603 triệu USD (bán theo giá Bid).
Như vậy bạn đã thu được 200 USD lợi nhuận chưa tính chi phí giao dịch.
Hiện nay, nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỷ giá 2 điểm như trên rất khó xảy ra. Nguyên nhân chính là do công nghệ phát triển, thông tin được truyền đi rất nhanh chóng và rộng khắp. Mọi diễn biến thị trường đều được cập nhật, các thị trường hoạt động ngày càng trở nên liên kết với nhau và hiệu quả hơn. Các thị trường sẽ mau chóng cập nhật và điều chỉnh tỷ giá cho ngang bằng nhau khi phát hiện ra có chênh lệch.
Kinh doanh chênh lệch giá 3 điểm
Kinh doanh chênh lệch giá 3 điểm (Arbitrage 3 điểm – triangular arbitrage) cũng tương tự như Arbitrage 2 điểm nhưng được thực hiện trên ba thị trường, khó nhận biết và được thực hiện phức tạp hơn. Kinh doanh chênh lệch giá 3 điểm có liên hệ với tỷ giá chéo. Nếu tỷ giá chéo trên thị trường khác với tỷ giá chéo trên lý thuyết thì nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch giá 3 điểm có thể xảy ra. Cơ hội thực hiện Arbitrage 3 điểm cũng nhiều hơn so với Arbitrage 2 điểm.
Có thể hiểu cách thực hiện Arbitrage 3 điểm qua một ví dụ đơn giản sau:
Thị trường A: USD/EUR = 1,5
Thị trường B: JPY/EUR = 100
Thị trường C: JPY/USD = 50
Bán 1,5 USD lấy 1 EUR tại thị trường A
Bán 1 EUR lấy 100 JPY tại thị trường B
Bán 100 JPY lấy 2 USD tại thị trường C
=> Lợi nhuận: 0,5 USD
Nếu giá trị của giao dịch đầu tiên là 1,5 triệu USD, nhà buôn tiền tệ có thể thu về lợi nhuận lên tới 500 nghìn USD (chưa tính chi phí giao dịch).
Arbitrage ba điểm thường không phải là một chiến lược mà hầu hết chúng ta có thể kiếm lời, chỉ những nhà mua bán tiền tệ chuyên nghiệp với những kỹ thuật công nghệ mới có thể nhanh chóng phát hiện những sai lệch trong tỷ giá chéo. Các nhà giao dịch tận dụng Arbitrage 3 điểm thường có thiết bị và chương trình máy tính tiên tiến để tự động hóa quy trình mua bán ngoại hối ngay khi xuất hiện sự chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường.
3. Có rủi ro khi thực hiện kinh doanh chênh lệch giá không?
Kinh doanh chênh lệch rủi ro mang lại tiềm năng sinh lời cao. Tuy nhiên, mức độ rủi ro cũng tương xứng. Dưới đây là một số tình huống rủi ro, có thể do hoạt động thương mại và các yếu tố khác.
Rủi ro thực hiện
Rủi ro thực hiện (execution risk) là rủi ro lớn nhất trong kinh doanh chênh lệch giá. Đây là rủi ro mà cơ hội chênh lệch giá có thể bị mất do tính chất biến động nhanh của thị trường ngoại hối.
Trên thực tế, ta khó có thể đồng thời thực hiện hai hoặc ba giao dịch hối đoái cùng một lúc. Trong khi đó, thị trường ngoại hối biến động liên tục, các trung tâm tài chính sẽ điều chỉnh tỷ giá ngay khi nhận thấy có sự chênh lệch giá giữa các thị trường. Chính vì vậy, rất có khả năng tỷ giá được điều chỉnh lại về ngang bằng nhau trước khi ta kịp hoàn thành quy trình mua bán dẫn tới giao dịch Arbitrage thất bại.
Rủi ro cạnh tranh
Trong forex, nghiệp vụ Arbitrage chỉ dành cho những nhà giao dịch chuyên nghiệp và có nguồn tài chính dồi dào. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà kinh doanh chênh lệch giá mang lại là rất lớn nên xuất hiện sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, các công ty môi giới, hay từ chính các broker với nhau. Cạnh tranh càng lớn thì rủi ro sẽ càng cao.
Rủi ro thanh khoản
Để 1 giao dịch ngoại hối được thực hiện thì cần phải có bên mua và bên bán. Rủi ro thanh khoản xảy ra trong trường hợp nếu bạn không tìm đủ lượng người mua hoặc bán ngay tại thời điểm cần giao dịch. Do đó, lợi nhuận thu về sẽ ít hơn, thậm chí có khả năng bị thua lỗ vì không bán/mua được ở tỷ giá mong muốn.
Rủi ro trượt giá
Đây là sự khác biệt giữa giá dự kiến và giá giao dịch thực ở thời điểm hiện tại. Điều này có thể gây ra bởi sự chậm trễ đến từ Internet. Ngoài ra, nếu giao dịch vào đúng thời điểm thị trường biến động thì mức độ trượt giá sẽ càng cao. Gây rủi ro cho nhà giao dịch nhiều hơn.
Như vậy những thông tin về Kinh doanh chênh lệch giá Arbitrage trong giao dịch ngoại hối đã được libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công.
- Bạn đọc tham khảo:
Những hình thức giao dịch ngoại hối mà bạn cần biết
Tổng hợp những điều bạn cần biết về giao dịch Carry Trade
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng