Trên thị trường ngoại hối, có nhiều loại tỷ giá khác nhau được sử dụng. Tham gia trên thị trường ngoại hối, liệu bạn đã nắm rõ cách phân loại và các loại tỷ giá này? Sau đây, hãy cùng libra24h.com tìm hiểu về các loại tỷ giá trong thị trường ngoại hối!
1. Căn cứ vào nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối
Khi nhà đầu tư tham gia trên thị trường ngoại hối với mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận, tỷ giá được sử dụng là tỷ giá kinh doanh. Tỷ giá này được đưa ra bởi các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng. Cơ sở xác định tỷ giá này là tỷ giá chính thức do ngân hàng trung ương công bố sau khi đã xét đến các yếu tố liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như: quan hệ cung cầu ngoại tệ, tỷ suất lợi nhuận, tâm lý của người giao dịch đối với ngoại tệ cần giao dịch. Trên cơ sở phân loại này, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: Tỷ giá mua và tỷ giá bán
- Tỷ giá mua: là mức tỷ giá mà ngân hàng mua ngoại hối
- Tỷ giá bán: là mức tỷ giá mà ngân hàng bán ngoại hối
Tỷ giá mua luôn thấp hơn tỷ giá bán. Chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán là phần lãi của kinh doanh ngoại hối.
2. Căn cứ vào thời điểm giao dịch trên thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối được coi là “thị trường không ngủ”, hoạt động liên tục hàng ngày nhưng việc mua, bán ngoại hối vẫn được xác định ở các phiên giao dịch ở mỗi ngày. Căn cứ vào thời điểm giao dịch trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: tỷ giá mở cửa và tỷ giá đóng cửa
Tỷ giá mở cửa
Tỷ giá mở cửa là tỷ giá chào hàng đầu tiên của một ngày giao dịch. Nó có thể là tỷ giá chào hàng vào đầu giờ giao dịch hay tỷ giá mua và bán ngoại hối của phiên giao dịch đầu tiên trong ngày làm việc.
Tỷ giá đóng cửa
Tỷ giá đóng cửa là tỷ giá vào cuối giờ giao dịch hay tỷ giá mua bán ngoại hối của phiên giao dịch cuối cùng trong ngày làm việc.
Trong giao dịch ngoại hối , thông thường tất cả các tỷ giá giao dịch trong ngày đều không được các ngân hàng công bố mà họ chỉ thực hiện điều này với tỷ giá mở cửa và tỷ giá đóng cửa. Hai tỷ giá này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tỷ giá mở cửa thường được hình thành trên cơ sở tỷ giá đóng cửa của ngày hôm trước và có tham khảo sự biến động tỷ giá trên thị trường quốc tế trong đêm đó.
3. Căn cứ vào chế độ quản lí ngoại hối
Ở mỗi quốc gia, Chính phủ đều có những cách quản lí ngoại hối khác nhau để đảm bảo cân bằng vĩ mô. Căn cứ vào cách phân loại này, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: tỷ giá cố định và tỷ giá thả nổi
Tỷ giá cố định
Tỷ giá cố định là tỷ giá do Ngân hàng trung ương xác nhận, công bố và không thay đổi trong một khoảng thời gian. Dựa trên mức tỷ giá này, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng sẽ ấn định mức quy đổi ngoại hối.
Tỷ giá thả nổi
Tỷ giá thả nổi là tỷ giá được xác định bởi mối quan hệ cung-cầu trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá này biến động thường xuyên tùy theo tình hình sức mua và bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối.
4. Căn cứ vào thời hạn thanh toán
Căn cứ vào thời hạn thanh toán trong thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: tỷ giá giao ngay và tỷ giá kì hạn
Tỷ giá giao ngay
Tỷ giá giao ngay là tỷ giá giao dịch ngoại tệ mà việc giao nhận ngoại tệ được thực hiện ngay trong ngày hôm đó hoặc một vài ngày sau. Loại tỷ giá này được yết giá bởi tổ chức tín dụng tại thời điểm giao dịch hoặc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo trong biển độ tỷ giá do Ngân hàng trung ương quy định. Việc thanh toán giữa các bên phải được thực hiện trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo sau ngày cam kết mua bán.
Tỷ giá kì hạn
Tỷ giá kì hạn là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng yết giá hoặc do hai bên tham gia giao dịch ngoại hối tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo trong biên độ quy định về tỷ giá kỳ hạn hiện hành của ngân hàng trung ương tại thời điểm ký hợp đồng. Thường là giá mua bán ngoại tệ mà việc giao nhận ngoại tệ được thực hiện theo hợp đồng (1,3,6 tháng…)
5. Căn cứ vào phương diện thanh toán quốc tế
Khi giao dịch ngoại hối, các đối tượng tham gia có thể thanh toán ngoại hối bằng nhiều phương tiện khác nhau. Do đó, dựa trên căn cứ vào phương diện thanh toán quốc tế, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: tỷ giá tiền mặt và tỷ giá chuyển khoản
Tỷ giá tiền mặt
Tỷ giá tiền mặt là tỷ giá được xác định khi ngoại hối giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt hay các phương tiện như séc, thẻ tín dụng.
Tỷ giá chuyển khoản
Tỷ giá chuyển khoản là tỷ giá được xác định khi ngoại hối giao dịch được thanh toán bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng. Tỷ giá này thường thấp hơn tỷ giá tiền mặt do khi sử dụng tỷ giá chuyển khoản sẽ giúp giảm chi phí lưu thông tiền mặt bởi không cần phải có sự xuất hiện của một lượng tiền mặt thực sự trong thị trường.
6. Căn cứ vào mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát
Căn cứ vào mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát, tỷ giá hối đoái được chia làm hai loại: tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực
Tỷ giá danh nghĩa (E)
Tỷ giá danh nghĩa là tỷ giá đã được yết giá và biểu thị giá cả của một đồng tiền thông qua đồng tiền khác mà chưa đề cập đến tương quan sức mua hàng hoá và dịch vụ giữa chúng. Tỷ giá danh nghĩa là tỷ giá phổ biến được sử dụng hàng ngày trong giao dịch trên các thị trường ngoại hối.
Tỷ giá thực (Er)
Tỷ giá thực là tỷ giá đã được điều chỉnh theo sự thay đổi tỷ lệ lạm phát trong tương quan giá cả của nước có đồng tiền yết giá và giá cả hàng hóa của nước có đồng tiền định giá.
Do đó nó là chỉ số phản ánh tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ.
Từ khái niệm trên, tỷ giá thực được xác định theo công thức:
Trong đó:
- Er là tỷ giá thực
- E là tỷ giá danh nghĩa
- P* là giá cả ở nước ngoài bằng ngoại tệ
- P là giá cả ở trong nước bằng nội tệ.
Tham khảo:
Tổng hợp những điều bạn cần biết về giao dịch Carry Trade
Hướng dẫn giao dịch chứng quyền từ A – Z cho người mới bắt đầu
Hy vọng, với những kiến thức trên, các bạn đã có những hiểu biết cần thiết về các loại tỷ giá hối đoái. libra24h.com chúc các bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Vũ Thị Phương Thảo