1. Tình hình thế giới
Sáng ngày 24/2, ngay khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, thị trường chứng khoán thế giới lập tức phản ứng với biên độ giảm sâu. Cụ thể, chứng khoán Mỹ, châu Âu hay châu Á đều sụt giảm một cách thảm hại trên 1,5% ngay trong phiên. Thị trường tiền ảo cũng không khá khẩm hơn, khi giá Bitcoin sập hơn 8,34% xuống còn 34,892 USD/BTC, giá Ethereum giảm 12,07% xuống còn 2342 USD/ETH. Chỉ có các tài sản tài chính có tính phòng thủ cao như vàng, dầu lại tăng giá mạnh. Phiên giao dịch sáng nay, giá dầu có lúc đã vượt 100 USD/thùng
Ông Chris Weston, chuyên gia phân tích đứng đầu Bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone cho biết thị trường đang bị ảnh hưởng rất nặng nề do không có người mua vì tâm lý lo ngại rủi ro, trong khi có rất nhiều người muốn bán tháo. Nhưng nếu bình tĩnh hơn và nhìn nhận lại sự kiện này, thì liệu đây có phải một cơ hội tốt để sở hữu những cổ phiếu có mức giá hấp dẫn trong khi các “anh lớn” đang còn mải mê chống lại nhau?
2. Sự kiện Nga tấn công Ukraine tác động gì đến Việt Nam?
Không đứng ngoài cuộc, thị trường chứng khoán tại Việt Nam cũng chứng kiến nhiều biến động làm các nhà đầu tư chao đảo.
Với VN-Index, chỉ số mở phiên giảm mạnh sau đó đã hồi lên mức xanh, giữ vững mốc 1.51 điểm; nhưng đến 10 giờ sáng ngày 24/02, chỉ số lại bắt đầu giảm mạnh có lúc giảm tới 17 điểm do tác động từ quyết định của phía Nga và chứng khoán thế giới.
Chốt phiên sáng ngày 24/2, VN-Index đã giảm 14,66 điểm chính thức mất mốc 1500 điểm, VN30 giảm 13,8 điểm. HNX-Index giảm biên độ mạnh nhất với 1,36%, UpCom-Index giảm hơn 1%. Dù mức độ giảm điểm chưa phải là mạnh nhưng độ rộng của thị trường rất lớn, số cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số. Diễn biến vẫn đang khá tiêu cực với mức độ giảm tiếp tục lên đến 22 điểm vào đầu giờ chiều. 420 mã đỏ lửa đặt bên cạnh 58 mã xanh, trong đó chủ yếu là dầu khí và phân bón.
- Xem thêm: Tổng hợp những điều cần biết về sàn HOSE, HNX và UPCOM năm 2021
- Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc bảng giá chứng khoán cho người mới bắt đầu
Tuy nhiên, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mức sụt giảm của VNIndex đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu như vậy vẫn là khá tích cực, chỉ giảm trên dưới 1% trong khi đó chứng khoán toàn cầu ghi nhận giảm 2-3%.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng với tin tức này là điều có thể dự báo được trước đó, tuy nhiên đây hoàn toàn là những ảnh hưởng về tâm lý. Vì vị trí địa lý của căng thẳng giữa Nga và Ukraina cách khá xa Việt Nam, hơn nữa Việt Nam luôn thực hiện chủ trương trung lập, không nghiêng về phe nào cả. Xung đột giữa Ukraina và Nga tác động chủ yếu tới tâm lý của thị trường tài chính và giới đầu tư là trọng yếu. Do đó, kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng ít bị ảnh hưởng. Hay thực chất, nền kinh tế chính trị Việt Nam về cơ bản không bị ảnh hưởng trực tiếp quá nhiều bởi cuộc xung đột này.
Lịch sử cũng cho thấy, các cuộc xung đột có tính chất địa chính trị xa Việt Nam có mức độ ảnh hưởng lên chứng khoán không đáng kể. Tiêu biểu phải kể đến sự kiện Nga đánh bán đảo Crimea vào cuối tháng 3 năm 2014: VNIndex giảm 6% trong một tuần nhưng chỉ một tuần sau đã lại về đỉnh cũ. Sau xung đột này thị trường Việt Nam còn hứng chịu thêm tác động kép từ sự kiện tranh chấp chủ quyền biển Đông vào tháng 5 năm 2014, thị trường giảm mạnh 2 tuần khiến Index giảm tiếp 11% trước khi tạo đáy và liên tục chinh phục các đỉnh mới.
Vậy mới thấy, chiến tranh giữa Nga và Ukraine lần này chưa hẳn đã là một dấu hiệu xấu. Ngược lại, đây chính là cơ hội để mua cổ phiếu với giá rẻ hơn bằng cách tận dụng tâm lý thị trường.
3. Cơ hội nào từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine?
Hành vi bán đến từ tâm lý nhà đầu tư mà chủ yếu là đầu cơ ngắn hạn do lo ngại khi có xung đột chính trị. Nếu quan sát lại các sự kiện xung đột quá khứ như đã kể trên thì có thể chắc chắn rằng thị trường chứng khoán tuy giảm giá nhưng không lâu sau sẽ phục hồi và vượt đỉnh cũ, đó là về mặt trung hạn.
Do giảm giá đến từ tâm lý, nên đây là cơ hội để mua cổ phiếu khi thị trường có cú giảm mạnh. Đây chính là cú “flashsale” trước khi thị trường hồi phục nhanh chóng và cơ hội đến từ các nhóm như dầu khí, phân bón là cực kì cao. Cụ thể:
Khi Nga đánh Ukraine, Mỹ và các nước EU lên án Nga là điều đương nhiên. Điều này dẫn đến một số cấm vận từ Mỹ và EU đối với quốc gia này.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia, và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Theo số liệu của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 48% xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm 2020 là sang châu Âu, và cũng trong năm này, tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga lên tới 11% sản lượng xuất khẩu dầu trên toàn thế giới. Việc cấm vận Nga dẫn đến sự thiếu hụt khổng lồ của nguồn cung dầu mỏ đến các cường quốc, khiến giá xăng dầu tăng cao và nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ được hưởng lợi nhờ thông tin trên.
Tương tự với nhóm mặt hàng phân bón. Sản lượng Ammonium nitrate (nguyên liệu chính để điều chế phân bón) trên toàn cầu hiện đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung đến từ Nga. Động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate của Nga mới đây có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu lên cao hơn mức kỷ lục hiện tại. Chưa kể đến việc nước xuất khẩu phân bón cao thứ hai thế giới – Trung Quốc vừa ngưng xuất khẩu 29 loại phân bón kể từ ngày 15/10/2021 do không đủ nguồn cung nội địa. Kết hợp với việc sắp tới Nga còn bị cấm vận, thì rất có thể giá phân bón sẽ chạm mức cao ngoài sức tưởng tượng.
4. Nên đầu tư ngành nào thì có lợi trong bối cảnh Nga – Ukraine?
Như đã thể hiện ở trên, ngành dầu khí và phân bón sẽ là những ngành vô cùng hứa hẹn và được hưởng lợi nhiều từ cuộc tranh chấp giữa Nga và Ukraine. Chưa cần đến sự kiện Nga tấn công Ukraine, giá dầu cũng đã tăng rất cao rồi. Với việc căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nước OPEC chần chừ việc nâng sản lượng, chắc chắn triển vọng cho cổ phiếu ngành dầu khí là rất sáng sủa.
Ngoài ra, có một loại tài sản truyền thống nhưng khá an toàn và chưa bao giờ lỗi thời, đó chính là vàng. Khi các biến động chính trị kinh tế quy mô lớn diễn ra, nhất là khi hàng hóa tăng giá chóng mặt và lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng để giảm cầu tiền và duy trì bảo tồn vốn một cách an toàn nhất. Giá vàng đã tăng dựng đứng trong phiên 24/2, vượt đỉnh cũ và đạt 65 triệu đồng. Trong khi Bitcoin – đồng tiền được coi là ”vàng kỹ thuật số”, lại giảm giá tới 7%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tin vàng hơn tin Bitcoin. Và tâm lý đó sẽ không đổi trong một thời gian rất dài sắp tới.
Bài viết trên đã đem lại thông tin tổng quát về xung đột Nga – Ukraine và những hệ quả của nó đến thị trường Việt Nam. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen