Cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Thông qua việc xem xét giá trị cổ tức của doanh nghiệp, nó sẽ phản ánh tình hình kinh doanh của công ty, nhà đầu tư có thể định giá được giá cổ phiếu và đưa ra chiến lược phù hợp. Vậy, cổ tức là gì, cách tính tỷ lệ cổ tức khi đầu tư chứng khoán như thế nào? Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Cổ tức (Dividends) là gì?
- Theo Luật Doanh nghiệp 2014: “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần, bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính”.
Ví dụ: Trong nghị quyết Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ chi trả 40%. Hình thức chi trả 5% tiền mặt, 35% bằng cổ phiếu.
Chi tiết có thể xem tại đây: nghi-quyet-va-bien-ban-hop-dhcd-thuong-nien-tap-doan-hoa-phat-nam-2021.pdf
2. Mục đích và ý nghĩa của cổ tức
Ta có thể hiểu đơn giản rằng: Việc chi trả cổ tức đơn giản chỉ là phương thức để phân phối lại lợi nhuận nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với cổ đông.
Cụ thể, khi bạn là cổ đông của một công ty, việc công ty đó chi trả cổ tức thể hiện rằng công ty đang hoạt động có lãi. Đối với một số nhà đầu tư, việc công ty chi trả cổ tức vẫn tốt hơn so với việc công ty giữ lại tiền của cổ đông.
Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại đây, xu hướng đầu đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức ngày càng được ưa chuộng bởi vì những lý do sau:
- Thứ nhất, đây là phương thức mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các nhà đầu tư.
- Thứ hai, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lợi nhuận kép trong trường hợp lãi suất giảm mạnh.
- Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh tốt hiện nay đều chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ví dụ:
- Lịch sử chi trả cổ tức của Vietcombank
- Lịch sử chi trả cổ tức của Vingroup
- Lịch sử chi trả cổ tức của MB bank
3. Các hình thức chi trả cổ tức phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 2 hình thức chi trả phổ biến nhất, đó là cổ tức chi trả bằng tiền mặt và cổ tức chi trả bằng cổ phiếu.
3.1. Trả bằng tiền mặt:
Cổ tức tiền mặt (cash dividend) là việc doanh nghiệp sẽ trả cổ tức trực tiếp cho cổ đông bằng tiền mặt. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp sẽ căn cứ trên kết quả hoạt động kinh doanh và các kế hoạch kinh doanh để quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, các NĐT nên lưu ý khi doanh nghiệp công bố tỷ lệ chi trả cổ tức thì tỷ lệ chi trả cổ tức này sẽ dựa trên mệnh giá cổ phiếu, một cổ phiếu có mệnh giá niêm yết theo quy định của Luật chứng khoán là 10.000 đồng.
3.2. Trả bằng cổ phiếu:
Cổ tức bằng cổ phiếu (stock dividend) là việc doanh nghiệp thay vì trả cổ tức tiền mặt hay mua lại cổ phiếu thì sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho các cổ đông. Việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu này sẽ không làm thay đổi vốn chủ sở hữu (shareholders’ equity) và tỷ lệ nắm giữ của mỗi cổ đông trong doanh nghiệp sẽ không thay đổi. Các doanh nghiệp có thể trả cổ tức bằng cổ phiếu từ các nguồn như:
- Lợi nhuận sau thuế chưa được phân phối (retained earnings).
- Thặng dư vốn cổ phần (share premiums).
- Các quỹ dự phòng của doanh nghiệp như quỹ đầu tư và phát triển (investment & development fund).
3.3. Sự khác nhau giữa trả cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu:
Trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu có điểm khác biệt lớn nhất đó chính là dòng tiền lưu thông của doanh nghiệp.
- Trả cổ tức bằng tiền, dòng tiền từ lợi nhuận sau thuế sẽ ra khỏi doanh nghiệp. Nó sẽ được chi trả vào tài khoản của mỗi cổ đông.
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng tiền vẫn ở trong doanh nghiệp. Chỉ khác là từ mục lợi nhuận sau thuế (chưa phân phối) chuyển sang vốn góp của chủ sở hữu.
4. Làm thế nào để nhận được cổ tức?
Để được nhận cổ tức, bạn cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền. Với những cổ phiếu đã niêm yết, bạn sẽ được trả cổ tức vào tài khoản chứng khoán của bạn.
Trong trường hợp công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, bạn sẽ được chia về tài khoản sau 30 đến 60 ngày. Với những cổ phiếu nắm giữ chưa niêm yết (OTC), bạn phải liên hệ trực tiếp tới doanh nghiệp để nhận cổ tức.
Nguồn: Tổng hợp
Trịnh Hằng Nga