Nới lỏng định lượng thuộc về nhóm chính sách tiền tệ phi truyền thống được các ngân hàng trung ương sử dụng để bơm tiền nhằm kích thích nền kinh tế khi các chính sách tiền tệ truyền thống đã bị vô hiệu hóa. Bài viết dưới đây sẽ phân tích tác động của các gói nới lỏng định lượng đối với nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế thế giới.
Nới lỏng định lượng ở Mỹ
Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu kéo dài từ năm 2008 đến nay, đã đẩy nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng trì trệ kéo dài, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải liên tiếp hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0 – 0,25% và liên tục tung ra các gói QE khổng lồ để ”giải cứu” nền kinh tế. Tháng 11/2008, Mỹ đã tung ra gói QE1 khi cuộc khủng hoảng tài chính đang trong giai đoạn căng thẳng nhất. FED đã hạ lãi suất đồng USD về 0 – 0,25% và chi ra khoảng 1.700 tỷ USD để mua các chứng khoán nợ có tài sản thế chấp đảm bảo (MBS) và trái phiếu kho bạc để thúc đẩy nền kinh tế.
Dưới tác động của QE1, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi trong một giai đoạn ngắn nhưng sau đó lại có dấu hiệu suy giảm. Do đó, từ ngày 3/11/2010 đến hết tháng 6/2011, FED quyết định bơm thêm 600 tỷ USD cho chương trình QE2 để mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 2 – 10 năm.
Để “giải cứu” và tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ, FED đã triển khai chương trình “Operation Twist” hay còn gọi là QE 2,5, bao gồm hai gói có trị giá 400 tỷ USD và 267 tỷ USD. Nội dung chính của chương trình này là hoán đổi trái phiếu mà cụ thể là bán trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn (đáo hạn dưới 3 năm) và mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài (đáo hạn từ 6-30 năm).
Như vậy, khác với QE thông thường, với chương trình này FED không làm tăng cung tiền và mở rộng bảng cân đối tài sản của mình mà chỉ thay đổi các thành phần trong bảng cân đối sử dụng nguồn vốn có sẵn.
Tuy nhiên, sau 2 gói QE1 và QE2, nền kinh tế Mỹ vẫn không có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Chính phủ Mỹ quyết định tung ra gói QE3 vào tháng 9/2012, đồng thời cam kết tiếp tục giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% ít nhất đến giữa năm 2015. FED tiến hành mua số lượng MBS (Mortgage-backed security hay Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp) trị giá 40 tỷ USD/tháng bằng cách phát hành tiền và mua lại tài sản của các ngân hàng.
QE3 là gói chính sách tiền tệ mà FED đưa ra tạo điều kiện cho vay với lãi suất thấp nhất để doanh nghiệp (DN) Mỹ phát triển, phục hồi kinh tế. QE3 được thực hiện song song với chương trình “Operation Twist”. Như vậy, ước tính tổng cộng mỗi tháng FED sẽ nắm giữ khoảng 85 tỷ USD trái phiếu dài hạn.
Tuy nhiên, QE3 không giải quyết được bế tắc nội tại của nền kinh tế Mỹ, do đó, người dân sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu. FED đã cân nhắc cắt giảm quy mô QE3 xuống mức 65 tỷ USD/tháng vào cuối năm 2013.
Xem thêm: Trái phiếu là gì? Hiểu để đầu tư trái phiếu
Những tác động
Đối với nền kinh tế Mỹ
Việc triển khai các gói QE đối với nền kinh tế Mỹ là điều cần thiết để phục hồi đà tăng trưởng cũng như cải thiện thị trường việc làm khi các chính sách cũ không phát huy tác dụng. Tiến hành gói QE, một mặt FED mua lại MBS (Chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp) từ hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng vốn khả dụng cho nền kinh tế để qua đó có khả năng kích thích thị trường việc làm; Mặt khác, khi FED mua MBS, giá các công cụ này sẽ bị đẩy lên cao đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu giảm xuống, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những tài sản khác như trái phiếu công ty.
Về phần mình, nhà đầu tư mua trái phiếu công ty sẽ làm lợi suất trái phiếu công ty giảm xuống, như vậy DN có thể vay mượn với chi phí rẻ hơn. Chi phí vay rẻ hơn có thể khuyến khích DN mở rộng sản xuất kinh doanh làm tăng số lượng công việc cho nền kinh tế và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập tăng đồng nghĩa với chi tiêu tăng, doanh số bán hàng tăng lên và giá nhà sẽ có thể tăng trở lại. Điểm cuối của chu trình này là thị trường hàng hóa và bất động sản có thể được phục hồi.
Đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được tác động cụ thể của gói QE1 cũng như ích lợi mang lại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của FED, gói QE1 đã góp phần ngăn chặn nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào một cuộc suy thoái sâu rộng. Nói cách khác, QE1 có tác dụng như một “gói kích thích niềm tin” khổng lồ. Nền kinh tế không còn lao dốc và lạm phát dần dần tăng lên. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chính sách kinh tế nào, hiệu quả của QE1 cũng bị giảm dần theo thời gian và đó là tiền đề cho QE2 khi Mỹ cần có thêm động lực.
Không giống như gói QE1 và QE2, điểm khác biệt của gói QE 3 là không giới hạn thời gian và quy mô gói cứu trợ. Như vậy, một chương trình mua trái phiếu đã trở thành lời cam kết cho những hành động của FED trong tương lai. FED không mua vào một lượng tài sản cố định và mong đợi sau đó nền kinh tế sẽ hồi phục. FED tuyên bố sẽ tiếp tục mua cho đến khi nền kinh tế tốt lên và thị trường lao động được cải thiện rõ rệt.
Trên thực tế, gói QE3 đã đem lại những tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng GDP quý IV/2012 đạt mức 3,1%. Dù trong quý II/2013, kinh tế Mỹ có tăng trưởng chậm hơn (ước tính khoảng 1,3%) do những biện pháp thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Liên bang giảm mạnh tới 4,9% so với mức dự kiến ban đầu là 4,1%. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ – yếu tố đóng góp tới hơn 70% vào các hoạt động của nền kinh tế lại liên tục gia tăng. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ tháng 6/2013 tăng lên 82,1 điểm, cao nhất kể từ tháng 02/2008.
Các nhà lãnh đạo DN lạc quan hơn về nền kinh tế, khi người tiêu dùng đã bỏ nhiều tiền hơn cho việc mua ôtô và các loại hàng hóa khác. Thị trường nhà đất tiếp tục là động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, khi giá nhà liên tục tăng và đạt mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua. Giá nhà đất dự kiến tiếp tục tăng khi lãi suất cho vay thấp và người tiêu dùng cũng đã lấy lại niềm tin vào nền kinh tế trong khi nguồn cung nhà ở trên thị trường vẫn đang ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.
Về thị trường việc làm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến cuối năm 2013 sẽ giảm xuống mức 7,2% và đến năm 2014 có thể giảm xuống mức 6,5% – 6,8%. Số việc làm mới trung bình được tạo ra mỗi tháng ước chừng khoảng 163.000 trong quý II/2013 và dự kiến tăng dần lên 200.000 trong quý II/2014.
Như vậy, với 3 gói QE được FED tung ra trong những năm trước 2013 đã giúp Mỹ tăng lượng tiền trong lưu thông, giảm lãi suất thấp gần mức 0%, từ đó giúp các tập đoàn và DN tiếp cận được với nguồn vốn một cách dễ dàng. Trên thực tế, gói cứu trợ này đã chứng minh tính hiệu quả của nó khi nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng ngoài dự kiến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về tác động của QE đối với nền kinh tế Mỹ. Có nhiều ý kiến cho rằng, FED không nên thực hiện quá nhiều QE bởi các gói QE mới sẽ không hiệu quả và có thể còn gây ra những rủi ro cho nền kinh tế.
Về phía FED, việc cơ quan này liên tục tung ra các gói QE khổng lồ đã làm tăng tài sản nợ trong Bảng cân đối tài sản, do một lượng lớn tiền được “bơm vào” nền kinh tế không được trung hòa, tạo áp lực lạm phát. Hơn nữa, việc hoán đổi trái phiếu dài hạn bằng trái phiếu ngắn hạn mặc dù không làm thay đổi tổng tài sản của FED nhưng đã làm giảm chất lượng tài sản của FED, nghĩa là làm đồng USD yếu đi.
Đối với hệ thống ngân hàng, một trong những mục tiêu của QE là tăng vốn khả dụng cho ngân hàng thương mại (NHTM) để cho các tổ chức, DN và cá nhân vay vốn. Hai gói QE đầu tiên đã giúp giảm lãi suất và thúc đẩy thị trường cổ phiếu nhưng các ngân hàng lại không sẵn sàng trong việc cho vay tiền. Hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn còn tồn lượng tiền dự trữ khổng lồ (ước tính khoảng 1.600 tỷ USD) không cho vay và bản thân các ngân hàng cũng vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng các tiêu chuẩn tín dụng vốn còn đang trong tình trạng thắt chặt sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Đối với nền kinh tế Mỹ nói chung thì ngay bản thân FED cũng nhận định là việc lượng hóa tác động của QE đối với lợi suất trái phiếu sẽ dễ hơn so với “đo đếm” hiệu quả QE đối với kinh tế vĩ mô. Như vậy, việc triển khai các gói QE khổng lồ không thực sự đem lại nhiều lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế Mỹ mà ngược lại đã trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ nợ công của nước này (tỷ lệ này đã tăng đáng kể trong giai đoạn tiến hành các gói QE, cụ thể từ mức 87,1% năm 2010 lên tới mức 101,6% cho năm 2013).
Đối với kinh tế thế giới
Ở châu Âu đang phải vật lộn với “bài toán” nợ công, thì việc đồng USD giảm giá làm gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ sang khu vực này đã buộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải liên tục hạ thấp lãi suất và bắt đầu chương trình mua tài sản. Nghĩa là, ECB cũng phải sử dụng biện pháp QE tương tự. Việc này một mặt tạo đà cho nền kinh tế toàn châu Âu tăng trưởng, nhưng mặt khác cũng không cải thiện được tình trạng nợ công trong khu vực.
Đối với châu Á, các gói QE của FED không có tác động tiêu cực tới nền kinh tế của các nước trong khu vực này. Điển hình nhất là Nhật Bản, vì đồng Yên mạnh, Nhật Bản có thể kỳ vọng đồng Yên trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế phổ biến hơn khi các nền kinh tế như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan tìm cách giảm dần phụ thuộc vào kinh tế Mỹ. Ngoài ra, bằng cách duy trì đồng Yên mạnh so với Euro và USD, Nhật Bản có thể tăng cường đầu tư và tập trung hơn vào hoạt động thương mại khu vực.
Gói QE3 đã tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ: tỷ lệ tăng trưởng GDP quý IV/2012 đạt mức 3,1%. Tuy nhiên, trong quý II/2013, kinh tế Mỹ có tăng trưởng chậm hơn (ước tính khoảng 1,3%) do những biện pháp thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Liên bang (giảm mạnh tới 4,9% so với mức dự kiến ban đầu là 4,1%).
Tuy nhiên, việc hạ thấp lãi suất và bơm tiền của FED đã dẫn tới việc một lượng tiền lớn của Mỹ đã “chảy vào” châu Á tạo ra nguy cơ “bong bóng” tài sản trong khu vực này. Lo ngại về vấn đề này, Ngân hàng trung ương các nước trong khu vực phải thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm đà tăng trưởng của khu vực trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ.
Có thể nói, Hong Kong và Singapore có thể chịu tác động mạnh nhất từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ. Đồng đô la Hong Kong trên danh nghĩa neo tỷ giá theo USD nên khi FED tiếp tục triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ, Hong Kong buộc phải đánh giá lại chính sách neo tỷ giá này. Giá nhà tại Hong Kong đã tăng 20% trong năm 2012 dẫn tới nguy cơ bong bóng bất động sản “phình to” hơn và thậm chí có thể “vỡ”. Điều này sẽ khiến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Hong Kong tăng cao như tình trạng ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.
Tương tự, kinh tế Singapore dễ bị tổn thương bởi bong bóng bất động sản do chính sách neo lãi suất theo FED. Các chương trình nới lỏng định lượng của FED thực tế đang gây sức ép lạm phát cho Singapore. Các gói QE chưa mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế Mỹ như mong đợi của Chính phủ nước này, mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế một số nước khác, do phụ thuộc vào nền kinh tế số 1 thế giới.
Xem thêm: Đầu tư chứng khoán quốc tế là gì? Nên hay không nên?
Thông qua bài viết này, libra24h.com mong rằng đã các bạn rút ra được nhiều bài học cho bản thân để áp dụng vào đầu tư cá nhân. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 9 – 2013