1. Tài khoản vốn – tài chính (Capital – Financial Account) là gì?
Tài khoản vốn – tài chính (Capital – Financial Account) là công cụ đo lường tất cả các giao dịch kinh tế liên quan đến việc chuyển giao vốn và tài sản tài chính (chuyển giao quyền sử dụng tài sản). Tài khoản vốn – tài chính phản ánh di chuyển vốn vào ra ra đối với một quốc gia.
Trong đó, nguồn vốn chảy vào phản ánh làm giảm tài sản có hoặc tăng tài sản nợ của người cư trú với người không cư trú. Những luồng vốn chảy vào làm phát sinh cung ngoại tệ trên thị trường, dó đó được phản ánh ghi có và mang dấu dương (+).
Bên cạnh đó, luồng vốn chảy ra phản ánh làm tăng tài sản có hoặc làm giảm tài sản nợ của người cư trú đối với người không cư trú. Các luồng vốn chảy ra làm tăng nhu cầu về ngoại tệ, dó đó được phản ánh ghi nợ và mang dấu âm (-).
Có thể coi việc luân chuyển vốn như là việc người cư trú nhập khẩu hoặc xuất khẩu các khoản đầu tư này.
2. Cấu tạo của tài khoản vốn – tài chính (Capital – Financial Account)
Tùy vào mục đích sử dụng có thể phân loại Tài khoản vốn – tài chính theo hai tiêu chí:
(1) Theo mục đích thống kê: Tài khoản vốn và tài khoản tài chính
Tài khoản vốn trình bày:
- Các khoản chuyển giao vốn
- Các giao dịch phát sinh liên quan đến việc thay đổi quyền sở hữu của những tài sản phi sản xuất và phi tài chính như bất động sản, bản quyền sáng chế, nhãn hiệu,…
- Các khoản chuyển nhượng vốn đơn phương, các khoản nợ được xóa.
Tài khoản tài chính: phản ánh các giao dịch liên quan đến tài sản tài chính như mua bán cổ phiếu, trái phiếu xuyên quốc gia,…
Dựa trên mức độ nhà đầu tư kiểm soát tài sản hay hoạt động đầu tư, Tài khoản tài chính được chia ra thành:
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
- Đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI)
- Các hình thức đầu tư khác (như tín dụng thương mại, khoản vay nước ngoài, tiền và tiền gửi tại nước ngoài,…)
(2) Theo mục đích phân tích kinh tế: gồm có cán cân vốn ngắn hạn, cán cân vốn dài hạn và chuyển giao vốn một chiều.
- Cán cân vốn ngắn hạn: Luồng vốn ngắn hạn chảy vào và chảy ra khỏi một quốc gia. Bao gồm tín dụng thương mại ngắn hạn, hoạt động tiền gửi, mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn, kinh doanh ngoại hối,..
- Cán cân vốn dài hạn: Luồng vốn dài hạn chảy vào và chảy ra khỏi một quốc gia. Bao gồm: đầu tư trực tiếp; đầu tư gián tiếp; tín dụng dài hạn thuộc KV nhà nước (ODA) và thương mại thuộc KV tư nhân hay đầu tư khác
- Cán cân chuyển giao vốn một chiều: Các khoản chuyển nhượng vốn đơn phương, viện trợ vốn không hoàn lại với mục đích đầu tư, các khoản nợ được xóa.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến tài khoản vốn
Các biện pháp kiểm soát vốn (capital control): Khi mậu dịch tiến triển, chính phủ các nước có thẩm quyền đối với dòng tiền lưu chuyển vào nước đó. Chẳng hạn như chính phủ một nước có thể ấn định một loại thuế đặc biệt đánh trên thu nhập tích lũy của các nhà đầu tư nội địa đã đầu tư ở các thị trường nước ngoài. Một loại thuế như vậy có thể ngăn chặn dân chúng chuyển vốn ra các thị trường nước ngoài, và nhờ đó có thể làm tăng tài khoản vốn của một nước. Có hai loại biện pháp kiểm soát vốn như sau:
(1) Kiểm soát vốn trực tiếp (kiểm soát hành chính): là việc hạn chế những giao dịch vốn bằng hình thức ngăn cấm triệt để, hoặc những hạn chế mang tính chất số lượng như cấm rút một tỷ lệ % vốn nào đó trong 1 thời gian nhất định.
(2) Kiểm soát vốn gián tiếp (k/s vốn dựa trên cơ sở thị trường): là việc hạn chế những biến động của dòng vốn và những giao dịch khác làm cho giao dịch tốn kém nhiều chi phí hơn mới thực hiện được, như áp dụng hệ thống đa tỷ giá, đánh thuế, yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc không sinh lãi,…
Dân số: Công dân trẻ cần nhiều vốn hơn là cung cấp cho các thị trường cơ bản, do có nhu cầu vay mượn cao. Thời gian trôi qua và tuổi trung bình của dân số thành niên tăng, sự thâm hụt vốn giảm. Có thể nói, dân số cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của tài khoản vốn.
Tỷ giá hối đoái: Nếu nội tệ của một nước được dự kiến mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán của nước đó để hưởng lợi từ các biến động tiền tệ. Cán cân tài khoản vốn của một nước có thể tăng nếu đồng tiền của nước đó được dự kiến sẽ mạnh. Ngược lại, cán cân tài khoản vốn của một nước dự kiến sẽ giảm nếu đồng nội tệ của nước đó dự kiến suy yếu khi các yếu tố khác không đổi.
Tự do hóa tài chính: Khi chính phủ thực hiện việc tự do hóa tài chính, và đặc biệt là tiến tới tự do hóa hoàn toàn dòng vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng dòng vốn mạnh mẽ vào Việt Nam, làm gia tăng tài khoản vốn. Ngược lại khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn sẽ làm hạn chế dòng vốn quốc tế vào Việt Nam làm giảm tài khoản vốn.
Bài viết trên đã cung cấp thêm cho các bạn những kiến thức cơ bản về tài khoản vốn – tài chính. Hy vọng các bạn tiếp tục đón đọc những bài viết hữu ích về thị trường ngoại hối của Libra24.com nhé.
Nguồn: Tổng hợp
Hà Thương