Chi phí đại diện Agency costs là loại chi phí luôn được các công ty đa quốc gia MNC đặc biệt lưu tâm. Vậy chi phí đại diện là gì và MNC cần có những biện pháp gì để giảm thiểu loại chi phí này? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của libra24h.com để tìm được đáp án cho các câu hỏi trên nhé!
1. Chi phí đại diện là gì?
Chi phí đại diện là chi phí phát sinh do mâu thuẫn giữa mục tiêu của đội ngũ quản lý công ty (đại diện) và các cổ đông công ty (bên giao đại diện). Các chi phí liên quan đến việc giải quyết và quản lý sự bất đồng này được gọi là chi phí đại diện.
Điểm mấu chốt là những chi phí này phát sinh từ việc tách biệt quyền sở hữu và quyền kiểm soát. Cổ đông luôn muốn tối đa hóa giá trị tài sản của họ, trong khi ban lãnh đạo đôi khi có thể đưa ra các quyết định không có lợi nhất cho cổ đông.
Sự thất bại của Enron năm 2001 là một ví dụ điển hình cho chi phí đại diện. Ban giám đốc và cán bộ cấp cao của Enron đã bán hết cổ phiếu của họ ở mức giá cao hơn giá trị thật, dựa vào thông tin kế toán gian lận để làm tăng giá trị cổ phiếu một cách giả tạo. Kết quả là các cổ đông đã mất một khoản tiền đáng kể. Điều này càng khiến cho do giá cổ phiếu của Enron giảm mạnh.
2. Chi phí đại diện trực tiếp và gián tiếp
Chi phí đại diện được chia nhỏ thành chi phí đại diện trực tiếp và gián tiếp.
Chi phí đại diện trực tiếp
Có hai loại chi phí đại diện trực tiếp:
- Các khoản chi tiêu của công ty mang lại lợi ích cho đội ngũ quản lý với chi phí của các cổ đông
Ví dụ, khi đội ngũ quản lý cấp cao đi du lịch và đặt khách sạn đắt nhất hoặc yêu cầu nâng cấp khách sạn một cách không cần thiết. Chi phí của những hành động đó làm tăng chi phí hoạt động của công ty trong khi không mang lại lợi ích hoặc giá trị gia tăng nào cho các cổ đông. Các chi phí được gọi là chi phí đại diện Agency costs.
- Một khoản chi phí phát sinh từ việc giám sát các hoạt động quản lý để duy trì mối quan hệ người ủy quyền và người đại diện
Một ví dụ về loại chi phí đại diện trực tiếp này là chi phí cho việc trả lương cho các kiểm toán viên bên ngoài để đánh giá tính chính xác của các báo cáo tài chính của công ty.
Chi phí đại diện gián tiếp
Chi phí đại diện gián tiếp thể hiện các cơ hội bị mất.
Chẳng hạn, các cổ đông muốn thực hiện một dự án làm tăng giá trị cổ phiếu. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý lo ngại rằng mọi thứ có thể diễn biến xấu, có thể dẫn đến việc họ phải chấm dứt công việc.
Nếu ban lãnh đạo không thực hiện dự án này, các cổ đông sẽ mất đi một cơ hội quý giá tiềm tàng. Đây trở thành chi phí đại diện gián tiếp vì nó phát sinh từ xung đột giữa cổ đông / quản lý nhưng không có giá trị định lượng trực tiếp.
3. Nguyên nhân dẫn đến chi phí đại diện ở các MNC
Chi phí đại diện ở MNC thường lớn hơn ở các công ty thuần nội địa vì một số lý do sau.
Thứ nhất, các MNC sở hữu các công ty con rải rác trên khắp thế giới. Điều này khiến MNC gặp khó khăn trong giám sát các giám đốc ở chi nhánh nước ngoài,
Thứ hai, các nhà quản lý công ty con tại nước ngoài có thể trưởng thành trong các nền văn hóa khác nhau, dẫn đến sự khác biệt về văn hóa và có thể không tuân theo các mục tiêu thống nhất.
Thứ ba, quy mô của các MNC càng lớn thì càng dễ xảy ra các vấn đề đại diện và chi phí đại diện càng lớn hơn.
Thứ tư, một số nhà quản lý có xu hướng thực hiện các mục tiêu ngắn hạn ở các chi nhánh, điều này có thể dẫn đến sự mâu thuẫn giữa mục tiêu của công ty con và mục tiêu tối đa hóa tài sản cổ đông của công ty mẹ.
4. Các biện pháp giảm chi phí đại diện
Khuyến khích tài chính
Khuyến khích tài chính là các chương trình khuyến khích phổ biến nhất. Nếu một chi nhánh đạt được một mục tiêu nhất định, thì nhóm quản lý sẽ nhận được một khoản tiền thưởng. Khuyến khích tài chính dựa trên kết quả hoạt động giúp thúc đẩy các đại diện hành động vì lợi ích tốt nhất của công ty.
- Thưởng cổ phiếu cho các nhà quản lý: Cung cấp cho các nhà quản lý cổ phiếu của MNC (hoặc quyền chọn mua cổ phiếu với giá xác định) như một phần của khoản bồi thường, để họ được hưởng lợi trực tiếp từ giá cổ phiếu cao hơn khi họ đưa ra quyết định nâng cao giá trị của MNC.
- Chia sẻ lợi nhuận: Ban quản lý nhận được phần trăm lợi nhuận của công ty.
Nguy cơ bị mua lại
Nếu các nhà quản lý của MNC đưa ra các quyết định không tốt làm giảm giá trị của công ty, thì một công ty khác có thể mua được nó với giá thấp và có khả năng sẽ loại bỏ những nhà quản lý yếu kém.
Các cổ đông tăng cường biện pháp giám sát
Các cổ đông có thể góp ý, phàn nàn với hội đồng quản trị nếu các nhà quản lý đưa ra quyết định không tốt, thậm chí các nhà đầu tư có thể tập hợp lại để yêu cầu MNC thay đổi hoặc thậm chí là sa thải các quản lý cao cấp hoặc thành viên hội đồng quản trị.
Như vậy những thông tin cơ bản về chi phí đại diện Agency costs đã được libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
- Bạn đọc tham khảo:
Các loại cổ phiếu và cách chi trả cổ tức, liệu bạn có đang nhầm lẫn?
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng