“Lùa gà”, một thuật ngữ quen thuộc trong cộng đồng những người giao dịch hay sử dụng tiền mã hoá và giao dịch chứng khoán. Thuật ngữ này thường được gán cho những người được biết đến rộng rãi với công chúng, thường là các KOLs, Streamer, Youtuber… Johnny Đặng, Khoa Pug và mới đây nhất là streamer ViruSs đang là những cái tên đình đám gần đây bị tố “lùa gà”.
1. Tại sao “gà” lại bị lùa?
Trong đời sống hàng ngày, “gà” ngoài để chỉ con vật, còn hay được dùng như một từ lóng để chỉ sự non nớt, kém hiểu biết của một hoặc một nhóm người trong lĩnh vực nào đó. Từ này có sự tương quan với “noob” trong tiếng Anh, và nó xuất phát từ cách cách gamer lâu năm gọi các gamer mới tham gia, để chỉ sự non nớt, kỹ năng kém của họ.
Từ lâu, thuật ngữ “Lùa gà” đã xuất hiện trong giao dịch chứng khoán, giao dịch tiền số và rất nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực giao dịch tiền số nói riêng, “lùa gà” dùng để ám chỉ việc một người có sức ảnh hưởng lớn (KoL, streamer, youtuber,…) sử dụng sức ảnh hưởng truyền thông của mình, để mời gọi các follower tham gia vào giao dịch và nắm giữ một crypto coin nào đó với tư cách là các nhà đầu tư F0.
Khi càng nhiều người tham gia và dòng tiền càng đổ nhiều vào một đồng tiền số, giá trị của đồng tiền đó sẽ càng tăng (điều này cũng đúng với các mã cổ phiếu). Và do hầu hết các lập trình viên đều đủ tỉnh táo để đưa ra một mức giới hạn cho crypto coin của họ để tránh lạm phát, lúc này giá của một coin sẽ tuân theo quy luật cung-cầu. Bởi thế, khi dòng tiền đổ vào nhiều, nhu cầu nắm giữ tăng rất cao do được truyền thông quảng cáo, lúc này các “cá mập” – thường là các cá nhân hay tổ chức nắm giữ lượng coin lớn – sẽ bán ra số coin của mình. Hậu quả dẫn đến giá coin giảm mạnh và các nhà đầu tư mất trắng số tiền đã đầu tư.
Không thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, cryptocurrency được coi như một kênh đầu tư. Vì thế, việc quảng bá truyền thông cho một coin, hay việc đầu tư vào một đồng coin là quyền tự do không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc quảng bá đơn thuần khác với việc lợi dụng sức ảnh hưởng của mình cùng với sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của những nhà đầu tư F0 để trục lợi thì đích thị là lừa đảo. Và những kẻ “lùa gà” xứng đáng mang danh hiệu những kẻ lừa đảo, không hơn không kém!
Các chiêu trò thường thấy bao gồm thường xuyên khoe tài khoản ngân hàng với số dư khủng cùng thông tin kiếm được số tiền này nhờ đầu tư vào coin/token nào đó, đồng thời hứa hẹn sẽ giúp các nhà đầu tư khác kiếm được số tiền khủng thông qua đầu tư vào dự án. Cao tay hơn, những kẻ này sẽ xây dựng mạng lưới với hàng loạt các nhà đầu tư được xây dựng cho một hình ảnh giàu có. Những người này có nhiệm vụ gọi mời những người muốn đầu tư ít nhưng sinh lời nhiều.
Nói tóm lại, dù có vô vàn thủ đoạn khác nhau, nhưng cốt yếu những chiêu “lùa gà” vẫn là đánh vào lòng tham của con người, tận dụng sức ảnh hưởng của mình cùng với tâm lý FOMO để đánh lừa nhà đầu tư.
2. Cách để nhận biết thủ đoạn “lùa gà”
Như đã nói ở trên, những kẻ “lùa gà”, hay nói đúng ra là những kẻ lừa đảo, thường có nhiều chiêu trò thiên biến vạn hóa để thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư. Đối tượng chủ yếu của chúng là những nhà đầu tư F0 – nhóm nhà đầu tư được cho là thiếu kinh nghiệm và kiến thức, dễ dàng bị tác động bởi thị trường và tâm lý FOMO (Fear of missing out).
Có sự tương đồng nhất định đối tượng “lùa gà” này với các “Cá mập” và “Cá voi” trong thị trường giao dịch. “Cá mập” “Cá voi” là thuật ngữ thường dùng để chỉ những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính và cả kinh nghiệm chuyên môn, tạo ra những biến động nhất thời để “nuốt cá bé”. Chính vì tiềm lực to lớn khủng khiếp của các cá nhân và tổ chức đó, kể cả những nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm cũng không thể tránh khỏi việc bị “cá mập” nuốt. Nhưng xét cho cùng, việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm của các nhà đầu tư mới, khác hoàn toàn so với việc sử dụng tiềm lực của mình để tạo ra các biến động trên thị trường.
Ta có thể gặp những kẻ bịp bợm nhan nhản, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin truyền thông, và các mạng xã hội đang phổ biến hơn bao giờ hết. Chắc hẳn chúng ta đã từng ít nhất một lần nghe đến các câu nói như “tỉa nến” “Từng phá của gia đình xxx tỷ đồng, giờ tôi có thu nhập xxx/ngày”, kèm theo đó là những nội dung đại loại như seeding cho một coin nào đó. Đây chính xác là những thủ đoạn làm màu, lợi dụng long tin của nhà đầu tư để trục lợi. Các đồng coin được dùng để “lùa gà” thường là các đồng chưa được “lên sàn”, về cơ bản là vô giá trị và được quảng bá kèm theo những lời hứa hẹn như “nếu đồng được lên sàn, giá trị sẽ tăng xxx…”, nhưng khi nào coin được lên sàn thì không thấy nói!
Cũng có nhiều trường hợp coin đã được lên sàn và được đảm bảo bởi uy tín của một cá nhân nào đó (Như đồng DBZ được Johnny Dang đảm bảo và có thể dùng để mua kim cương tại doanh nghiệp của anh). Đây là những trường hợp khó để biết được liệu người quảng bá có đang lừa đảo, “lùa gà” hay không. Lúc này, chúng ta lại phải nhìn vào góc độ của các bài quảng cáo và của người quảng bá: liệu người quảng bá có uy tín hay không, các bài truyền thông, quảng bá có màu mè, rầm rộ hay không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức và trực giác tư duy của các nhà đầu tư.
Có thể lấy những vụ việc gần đây như sự hợp tác và tan rã của bộ đôi Johnny Dang – Khoa Pug hay mới đây là ViruSs làm ví dụ về các trường hợp bị tố “lùa gà”
Những phát ngôn và hành động trước đó của cả 2 từng bị dân tình đặt nghi vấn là “lùa gà” cho dự án tiền ảo Diamond Boyz Coin (DBZ) mà “ông vua kim hoàn” phát triển. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 6-10, Khoa Pug đã từng rất thân thiết với Johnny Đặng. Trong các video (hiện đã xoá), Johnny Đặng và Khoa Pug từng nhiều lần đề cập đến đồng DBZ. Thậm chí, trong một lần đi chơi, Khoa Pug “khoe” mình đã sở hữu 10 triệu đồng DBZ với giá trị cả tỷ đồng. Sau khi các video của Khoa Pug được đăng tải, giá trị của đồng DBZ có thời điểm đã lập đỉnh mới 0,14 USD vào ngày 29/9, trước khi tụt dần đều và có lúc chạm đáy 0,06 USD vào ngày 5/10.
Điều này khiến cho Khoa Pug rơi vào tâm bão chỉ trích vì bị nghi “lùa gà” cho dự án tiền ảo của Johhny Đặng. Vì thế, trong đăng tải ngày 7/10, Khoa Pug đã phải phân trần, giải thích rằng mình chỉ ủng hộ Johnny Đặng và để duy trì mối quan hệ nếu có mất 10 tỷ đồng cũng không sao. Khoa Pug cũng liên tục nhấn mạnh việc mình không ủng hộ, kêu gọi hoặc rủ rê mọi người đầu tư vào tiền ảo nói chung và DBZ nói riêng. “Tiền của mình là của mình, lời ăn lỗ chịu”, Khoa Pug khẳng định.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì Diamond Boyz Coin vẫn là một token rủi ro và dễ dàng bị thâu tóm bởi nhà đầu tư. Hơn nữa, bạn chỉ được phép mua bán nó trên những sàn như DeFi, Bibox, Pancake Swap… Việc giao dịch cũng khá phức tạp. Trên trang chủ dự án, đồng DBZ cũng tự nhận là một dự án rủi ro và người dùng phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về những quyết định đầu tư tài chính của bản thân.
Một trường hợp khác bị tố “lùa gà” gần đây là streamer ViruSs . Cách đây vài ngày, doanh nhân Zet Under – một nhà đầu tư lâu năm và có tiếng ở Việt Nam, từng để lại một bình luận dưới video của ViruSs với nội dung: “Kinh nghiệm thị trường chưa được 3 tháng đã đi lùa gà rồi à.”Cùng với đó, I.P – một dự án blockchain từng được ViruSs giới thiệu quảng bá trên livestream, đã bị Luật sư Hà – luật sư sở hữu hơn 2,1 triệu người theo dõi trên TikTok, cảnh báo là một trong hai loại game “núp bóng tiền ảo” để đánh bạc trá hình.
3. Hãy là những chú “gà” khôn ngoan!
Suy cho cùng, mọi quyết định đầu tư đều xuất phát từ sự tự do của cá nhân. Hãy đầu tư tiền của mình một cách hợp lý với khả năng và kiến thức của bản thân. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi tỷ suất sinh lời là tỷ lệ thuận với rủi ro, thì tại sao không thử làm một chú gà khôn ngoan để sinh lời cho khoản đầu tư của mình nhỉ!
(Lưu ý, các thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, áp dụng cho những token đã được “lên sàn”, đối với các coin chưa được lên sàn thì những sự quảng bá màu mè đơn thuần là lừa đảo! Người viết không chịu trách nhiệm với bất cứ rủi ro nào của nhà đầu tư!)
Như đã nói trong bài viết Bật mí cho bạn: Đây là thời điểm hoàn hảo để tham gia đầu tư Bitcoin!, vòng đời của một coin bao gồm các giai đoạn chính sau:
– Giai đoạn 1: Gom hàng
– Giai đoạn 2: Đẩy và giữ giá
– Giai đoạn 3: Truyền thông
– Giai Đoạn 4: Xả Hàng.
Nếu áp một giai đoạn, thì khi “lùa gà” chính là giai đoạn 3: truyền thông. Cụ thể là các đối tượng lừa đảo sẽ quảng cáo rầm rộ về đồng coin của mình, nhằm dụ dỗ các nhà đầu tư F0 tham gia vào giao dịch. Nếu là một đồng coin đã “lên sàn”, bạn vẫn có thể tham gia đu đỉnh trong giai đoạn này. Vì thường trong các giai đoạn truyền thông, số nhà đầu tư tham gia mới cũng như dòng tiền sẽ đổ về liên tục, dẫn đến giá coin sẽ liên tục lập đỉnh mới. Tận dụng được điều này, các khoản đầu tư đúng thời điểm hoàn toàn có thể tạo ra tỷ suất sinh lời nhất định!
Tóm lại, với sự lên ngôi của cryptocurrency như một kênh đầu tư sinh lời trong những năm gần đây, tình trạng “lùa gà” tuy đã xuất hiện từ lâu, nhưng lại nóng hơn bao giờ hết. Khác với các giao dịch chứng khoán, cryptocurrency hiện vẫn chưa được công nhận bởi nhà Nước Việt Nam (tuy nhiên cũng không cấm nắm giữ hay giao dịch). Vì thế, sẽ không có một chế tài nào để bảo vệ các nhà đầu tư đối với các gian lận thương mại và thao túng thị trường. Vì thế, thông qua bài viết, libra24h.com mong muốn các nhà đầu tư hãy tỉnh táo, giữ cho mình một cái đầu lạnh để tránh trường hợp trở thành “những chú gà béo tốt chờ bị thịt”!
- Xem thêm: Top 5 Đồng Coin phổ biến nhất hiện nay
Nguồn: Tổng Hợp
Hoàng Vũ