Hợp đồng kỳ hạn là một trong những công cụ bảo hiểm được sử dụng thông dụng trong nhiều thị trường và phổ biến nhất phải kể đến hợp đồng kỳ hạn ngoại hối. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Libra24h.com để tìm hiểu thêm về hợp đồng kỳ hạn trong giao dịch ngoại hối nhé!
1. Hợp đồng kỳ hạn là gì?
Hợp đồng kỳ hạn là một hợp đồng tùy chỉnh giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản ở một mức giá xác định vào một ngày trong tương lai. Hợp đồng kỳ hạn có thể được sử dụng để bảo hiểm rủi ro hoặc đầu cơ. Vì hợp đồng đề cập đến tài sản cơ sở sẽ được giao vào ngày xác định, nó được coi là một loại nghiệp vụ phái sinh.
Đây là một công cụ chuyên dụng cho phép bạn chốt mức tỷ giá giao dịch nhất định vào một ngày trong tương lai.
Hợp đồng kỳ hạn có thể được sử dụng để chốt một mức giá cụ thể nhằm tránh sự biến động trong giá cả. Bên mua hợp đồng kỳ hạn đang tham gia vào vị thế mua và bên bán hợp đồng kỳ hạn tham gia vào vị thế bán. Nếu giá của tài sản cơ bản tăng lên, vị thế mua sẽ được hưởng lợi. Nếu giá tài sản cơ bản giảm, vị thế bán được hưởng lợi.

Một số ưu điểm của hợp đồng kỳ hạn:
- Cho phép doanh nghiệp chốt tỷ giá hối đoái cho một giao dịch sẽ diễn ra theo tỷ giá đã thỏa thuận trước trong tương lai.
- Chọn tỷ giá phù hợp với doanh nghiệp sẽ cho phép bạn mua và bán trong tương lai với tỷ giá đã biết.
- Quản lý và lập ngân sách dòng tiền mà không cần lo lắng về sự biến động của tỷ giá hối đoái.
- Các hợp đồng trao đổi kỳ hạn có thể được sử dụng làm cơ chế bảo hiểm rủi ro cho một doanh nghiệp.
Xem thêm: Những hình thức giao dịch ngoại hối mà bạn cần biết
2. Hợp đồng kỳ hạn hoạt động như thế nào?
Hợp đồng kỳ hạn nói chung gồm có bốn thành phần chính dưới đây:
- Tài sản: Đây là tài sản cơ bản được quy định trong hợp đồng.
- Ngày hết hạn: Hợp đồng sẽ cần một ngày kết thúc khi thỏa thuận được giải quyết và tài sản được giao và người giao được thanh toán.
- Số lượng: Đây là quy mô của hợp đồng và sẽ cung cấp số tiền cụ thể tính bằng đơn vị tài sản được mua và bán.
- Giá: Giá sẽ được trả vào ngày đáo hạn/hết hạn cũng phải được chỉ định. Điều này cũng sẽ bao gồm đơn vị tiền tệ mà thanh toán sẽ được thực hiện.

Hợp đồng kỳ hạn ngoại hối có thể bảo hiểm các giao dịch khỏi các rủi ro do biến động tỷ giá hối đoái đồng thời giúp nhà giao dịch có thể lập kế hoạch ngân sách rõ ràng.
Bằng cách biết rằng mỗi khoản thanh toán bạn thực hiện đều bị ràng buộc bởi tỷ giá hối đoái kỳ hạn đã thỏa thuận, bạn có thể tính toán và chắc chắn rằng các khoản thanh toán đó vẫn nằm trong ngân sách của mình.
Ví dụ về cách thức hoạt động của hợp đồng kỳ hạn
Một công ty tại Anh đang tìm mua máy móc từ Đài Loan. Doanh nghiệp gặp nhà cung cấp và đồng ý trả 500.000 USD trong 3 tháng kể từ bây giờ.
Tỷ giá hối đoái USD/GBP hiện tại tại thời điểm giao dịch là 1 GBP = 1,32 USD. Do đó, Nhà máy dự kiến sẽ trả 378.788 GBP cho thiết bị cần mua.
Trong thời gian 3 tháng, tỷ giá USD/GBP sẽ giảm xuống còn 1,25. Dưới đây là những tình huống có thể xảy ra:
Tình huống 1: Nếu doanh nghiệp không sử dụng hợp đồng Kỳ hạn
Trong thời gian 3 tháng, khi doanh nghiệp sẵn sàng thanh toán đơn hàng, tỷ giá hối đoái đã thay đổi bất lợi cho công ty.
Điều này có nghĩa là hàng hóa sẽ có giá 400.000 bảng Anh và công ty sẽ phải trả nhiều hơn 21.212 bảng Anh so với dự kiến ban đầu.
Tình huống 2: Nếu doanh nghiệp có sử dụng hợp đồng kỳ hạn
Để tránh bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái, công ty đã ký hợp đồng kỳ hạn với ngân hàng mức tỷ giá USD/GBP = 1,31 cho 500.000 USD, thời hạn 3 tháng.
Kết quả là công ty đã tiết kiệm được 18.320 bảng Anh bằng cách dự báo trước và tự bảo vệ mình bằng hợp đồng kỳ hạn.
3. Tầm quan trọng của hợp đồng kỳ hạn trong giao dịch ngoại hối
Các hợp đồng kỳ hạn chủ yếu được sử dụng để phòng ngừa các khoản lỗ có thể xảy ra. Chúng cho phép những người tham gia chốt giá trong tương lai. Mức giá đảm bảo này có thể rất quan trọng, đặc biệt là trong các ngành thường có sự biến động đáng kể về giá cả.
Ví dụ, trong ngành công nghiệp dầu mỏ, việc ký kết hợp đồng kỳ hạn để bán một số lượng thùng dầu cụ thể có thể được sử dụng để bảo vệ chống lại sự biến động đi xuống tiềm ẩn của giá dầu.

Hợp đồng kỳ hạn cũng thường được sử dụng để bảo hiểm trước những thay đổi của tỷ giá hối đoái khi thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế có giá trị lớn.
Hợp đồng kỳ hạn cũng có thể được sử dụng thuần túy cho các mục đích đầu cơ. Điều này ít phổ biến hơn so với việc sử dụng hợp đồng tương lai vì kỳ hạn được tạo bởi hai bên và không có sẵn để giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung.
Nếu một nhà đầu cơ tin rằng giá giao ngay trong tương lai của tài sản sẽ cao hơn giá kỳ hạn hôm nay, họ có thể tham gia vào vị thế kỳ hạn dài. Nếu giá giao ngay trong tương lai lớn hơn giá hợp đồng đã thỏa thuận, họ sẽ có lãi.
Xem thêm: Arbitrage là gì? Liệu kinh doanh chênh lệch giá trong ngoại hối có rủi ro?
4. MNCs và hợp đồng kỳ hạn ngoại hối
Hầu như tất cả các tập đoàn đa quốc gia MNC lớn đều sử dụng hợp đồng kỳ hạn ngoại hối.
Một số MNC có hợp đồng kỳ hạn chưa thanh toán trị giá hơn 100 triệu đô la để bảo vệ các vị thế khác nhau. Bởi vì các hợp đồng kỳ hạn phù hợp với các tập đoàn lớn, giao dịch kỳ hạn thường sẽ được định giá từ 1 triệu đô la trở lên.

Các hợp đồng kỳ hạn thường không được người tiêu dùng hoặc các công ty nhỏ sử dụng. Trong trường hợp ngân hàng không biết rõ về tập đoàn hoặc hoàn toàn tin tưởng vào tập đoàn, ngân hàng có thể yêu cầu tập đoàn ký quỹ ban đầu để đảm bảo rằng công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình.
Khoản tiền gửi như vậy được gọi là số dư bù và thường không phải trả lãi. Các hợp đồng kỳ hạn phổ biến nhất là cho 30, 60, 90, 180 và 360 ngày, hoặc có các thời hạn khác (bao gồm cả các thời hạn dài hơn). Tỷ giá kỳ hạn của một loại tiền nhất định thường sẽ thay đổi theo độ dài (số ngày) của kỳ hạn.
Như vậy những thông tin cơ bản về Hợp đồng kỳ hạn trong thị trường ngoại hối đã được Libra24h.com trình bày cụ thể trong bài viết trên. Hy vọng bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
- Bạn đọc tham khảo:
Hợp đồng quyền chọn là gì? Những điều cần biết về hợp đồng quyền chọn ngoại hối
Hợp đồng tương lai/Futures là gì? Tìm hiểu về hợp đồng tương lai Bitcoin
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng