Đầu tư chứng khoán chưa bao giờ là lĩnh vực dễ dàng với các nhà đầu tư. Bởi thị trường chứng khoán luôn biến động liên tục và các hành vi gian lận chứng khoán sai trái của một số nhà đầu tư, nhóm nhà đầu tư, công ty gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và các nhà đầu tư khác. Vậy gian lận chứng khoán là gì và có những hình thức nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Libra24h.com để tìm được đáp án cho các câu hỏi trên nhé!
1. Gian lận chứng khoán là gì?
Gian lận chứng khoán (Securities Fraud/Stock Fraud) là bất kỳ hành vi cố ý nào liên quan đến giao dịch chứng khoán trái với quy định của pháp luật có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức nhưng chủ yếu liên quan đến thông tin sai lệch mà các nhà đầu tư sử dụng để đưa ra quyết định.
Đây được coi là một hành vi lừa đảo trên thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư mua/bán dựa trên thông tin sai lệch và thường xuyên dẫn đến thua lỗ.

Những người có hành vi gian lận chứng khoán này có thể là cá nhân như người môi giới chứng khoán hoặc tổ chức như công ty chứng khoán, công ty tài chính hoặc ngân hàng đầu tư. Các cá nhân độc lập cũng có thể thực hiện loại gian lận này thông qua các giao dịch nội gián.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mô tả gian lận chứng khoán là hoạt động tội phạm có thể bao gồm gian lận đầu tư lãi suất cao, mô hình Ponzi, mô hình kim tự tháp, mô hình phí trả trước (advanced fee schemes), gian lận liên quan đến giao dịch ngoại hối, hành động tham ô của môi giới, gian lận liên quan đến quỹ phòng hộ.
2. Các hình thức gian lận chứng khoán
Giao dịch nội gián
Giao dịch nội gián là mua bán chứng khoán bằng những thông tin bí mật không được công khai. Các thông tin được tiết lộ có thể đến từ ban lãnh đạo công ty hoặc các nhân viên môi giới.

Các giao dịch ngày càng tinh vi, khó chứng minh được hành vi vi phạm. Người nội bộ có thể không trực tiếp đặt lệnh mà thông qua các mối quan hệ phức tạp như bạn bè, người thân, đối tác kinh doanh. Điều này dẫn đến việc phát hiện và xử lý rất khó khăn.
Các giao dịch nội gián thường diễn ra sau khi công ty có thông tin quan trọng và trong khoảng 20 ngày trước khi công ty công bố thông tin này ra công chúng. Trường hợp công ty hoặc người nội bộ vi phạm công bố thông tin có thể là gợi ý cho một hành vi gian lận nào đó, trong đó có giao dịch nội gián.
Mô hình Ponzi và kim tự tháp
Mô hình Ponzi và kim tự tháp thường dựa trên số tiền được cung cấp bởi các nhà đầu tư mới để trả tiền lãi đã được hứa cho các nhà đầu tư trước đó. Những kế hoạch như vậy đòi hỏi những kẻ gian lận phải liên tục tìm kiếm ngày càng nhiều nạn nhân để duy trì sự lừa đảo càng lâu càng tốt.

Mô hình phí trả trước
Hình thức này có thể được thực hiện tinh vi hơn, trong đó kẻ lừa đảo thuyết phục các mục tiêu của họ để chuyển tiền cho họ và hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.
Giao dịch thao túng giá
Dấu hiệu thao túng giá có thể là đặt lệnh và thực hiện giao dịch ngược hướng với thị trường gây ảnh hưởng giả tạo đến giá chứng khoán; khoảng biến động giá lớn nhưng lại không có thông tin cơ bản giải thích được; mất cân bằng khối lượng lệnh đặt; thường xuyên khớp trùng giá và khối lượng trong nhóm.
Việc làm giá thường được diễn ra khi doanh nghiệp vừa có sự kiện quan trọng như mới đăng ký giao dịch trên UPCoM, vừa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, chuyển sàn, mời đối tác chiến lược…
Các giao dịch thao túng giá thường được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều tài khoản khác nhau với nhiều kỹ thuật như: bơm giá và bán tháo (Pump and Dump), giao dịch không dẫn đến việc thay đổi sở hữu, tần suất giao dịch bất thường của nhóm tài khoản, giao dịch tạo giá đóng cửa, giao dịch tạo ấn tượng giả tạo về tính thanh khoản.

Phổ biến nhất là kỹ thuật Pump and Dump với việc “làm giá”, “bơm thổi giá” một loại cổ phiếu nào đó lên cao, rồi sau đó liên tục bán ra để “dìm” giá cổ phiếu đó xuống thấp tới mức thảm hại (dump), thậm chí không bằng giá lúc mới bơm thổi giá” (pump).
Hành động Pump and Dump rất phổ biến trong các thị trường như tiền điện tử, forex hay vàng, chứ không riêng gì ở chứng khoán.
3. Gian lận chứng khoán tại thị trường Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua hơn 20 năm thăng trầm. Trong thời gian đó, đã xuất hiện rất nhiều gian lận được ghi nhận và xử phạt, song vẫn còn những gian lận chưa đủ căn cứ pháp lý và chế tài để xử lý.
Một số gian lận điển hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam như hồ sơ giao dịch nội gián chứng khoán FBT năm 2008, KSH năm 2009, SHN năm 2012, SBC năm 2014, SKG năm 2017, D2D năm 2018; Hồ sơ thao túng giá chứng khoán cổ phiếu CCM năm 2008, DVD năm 2010, TNT năm 2015, CDO năm 2015-2016, KDM năm 2016, MTM năm 2016, Hồ sơ về Tạo dựng/công bố thông tin sai lệch, làm giả hồ sơ niêm yết chào bán cổ phiếu BBT năm 2008, DVD năm 2010, MTM năm 2013 – 2015, FLC năm 2017…
Vụ việc bán chui cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn FLC
Vào năm 2017, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết đã từng “đánh úp” nhà đầu tư khi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng sau đó lại bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC khiến các nhà đầu tư nắm cổ phiếu FLC thiệt hại rất nặng. Tuy nhiên, ông Quyết chỉ bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng.

Gần đây, ông Quyết đã tiếp tục âm thầm bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1/2022 gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và các nhà đầu tư.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC tăng kịch trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu, kích thích nhà đầu tư ồ ạt mua vào vì kỳ vọng giá tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi hệ thống giao dịch của HOSE gặp trục trặc, cổ phiếu FLC bất ngờ đảo chiều giảm kịch sàn khiến những nhà đầu tư nắm cổ phiếu này hết sức hoang mang.
Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh của FLC trong phiên này cao kỷ lục, tới hơn 135 triệu cổ phiếu (trong đó có 74,8 triệu cổ phiếu được bán chui do hành vi gian lận chứng khoán).
Hành vi gian lận chứng khoán này đã khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC thua lỗ nặng. Thậm chí, những cổ phiếu khác thuộc tập đoàn FLC như ROS, HAI, AMD, KLF cũng giảm sàn liên tục đến cuối phiên.
4. Cách phòng tránh các hành vi gian lận chứng khoán
Để đề phòng và tránh bị vướng phải các hình thức gian lận chứng khoán, nhà đầu tư nên dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan, nâng cao hiểu biết về của bản thân về tài chính doanh nghiệp cũng như các hình thức đầu tư trước khi tham gia thị trường chứng khoán.

Cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng các hình thức đầu tư, mã cổ phiếu mà nhân viên môi giới giới thiệu trước khi thực hiện giao dịch đồng thời tìm tòi, chọn lọc và sử dụng các thông tin có tính xác thực cao trước khi ra quyết định.
Để đầu tư chứng khoán một cách an toàn và có lợi nhuận ổn định không phải là chuyện dễ dàng. Nhà đầu tư luôn phải tìm tòi học hỏi và củng cố nền tảng kiến thức trước khi đầu tư để có thể tối thiểu rủi ro đồng thời đề phòng được những gian lận chứng khoán khi đầu tư.
- Bạn đọc tham khảo:
Các trường phái đầu tư và bí quyết thành công trên thị trường chứng khoán
Hy vọng thông qua bài viết của Libra24h.com bạn đọc đã học thêm được nhiều kiến thức tài chính bổ ích. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Phạm Hằng