FED là gì?
FED (Federal Reserve System) hay còn gọi là Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. FED là tổ chức duy nhất trên toàn thế giới được phép phát hành USD (Đô la Mỹ). Chính vì vậy FED là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và đảm bảo sự ổn định và an toàn cho nền kinh tế Mỹ.
Lãi suất FED (Federal Funds Rate) là lãi suất quỹ liên bang. Mức lãi suất này là lãi suất trong ngày giữa các ngân hàng thành viên mà FED ban hành. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc không đủ trước kỳ kiểm tra của FED, những ngân hàng thành viên phải vay nợ với mức lãi suất này. Đây được coi là công cụ kiểm soát nền kinh tế Mỹ của Cục dự trữ Liên bang. Mức lãi suất này là chuẩn mực cho lãi suất thẻ tín dụng, thế chấp và các khoản vay khác tại ngân hàng thành viên.
Lãi suất FED hiện nay
Các dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 cho thấy lạm phát đang giảm với tốc độ thấp hơn so với mức đỉnh vào mùa Hè năm 2022 nhưng tốc độ này vẫn đang tăng lên. Thị trường lao động nóng cho thấy việc FED tăng lãi suất vẫn chưa tác động vào phần lớn nền kinh tế.
Ngày 22/2, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố biên bản cuộc họp tháng 1/2023 và cho biết lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED, trong khi thị trường lao động vẫn chặt chẽ, góp phần tiếp tục gây áp lực lên tiền lương và giá cả.
Các thành viên của FED đã chấp thuận mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2022, đưa lãi suất liên bang về phạm vi mục tiêu là 4,5% – 4,75%.
Cục Dự trữ Liên bang gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng tốc với chiến dịch tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980, thông qua lần tăng lãi suất thứ chín liên tiếp tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) ngày 21-22 tháng 3. Chủ tịch Fed Jerome Powell thậm chí còn cảnh báo rằng các quan chức có thể tăng nửa điểm táo bạo hơn nếu lạm phát và thị trường việc làm vẫn nóng hơn dự kiến.
Tác động của việc FED tăng lãi suất tới tình hình kinh tế Việt Nam
Thị trường Mỹ cũng như toàn thế giới lo ngại nếu FED tăng lãi suất quá nhanh hoặc quá cao có thể sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Việc điều chỉnh lãi suất thông qua các phiên họp và thay đổi lượng cung tiền qua các nghiệp vụ thị trường mở của Cục dự trữ Liên bang có tác động rất lớn đến tình hình tài chính toàn cầu.
Cục dự trữ Liên bang tăng lãi suất nhìn chung sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Chỉ là sự ảnh hưởng đó diễn ra ngay hay sẽ chậm lại so với các quốc gia khác. Những tác động có thể sẽ xảy ra với nền kinh tế Việt Nam như:
- Tỷ giá USD/VND tăng lên. Lãi suất FED tăng dẫn đến cầu USD tăng. Người dân sẽ bán VND mua USD vì lãi suất USD cao hơn (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa tăng lãi suất điều hành). Tỷ giá cao sẽ khiến xuất khẩu tăng (do hàng hóa trong nước trở nên rẻ tương đối hơn hàng hóa nước ngoài) và nhập khẩu giảm do giá tăng cao, gây khó khăn trong cung ứng hàng hóa nguyên liệu. NHNN phải có biện pháp nhằm giảm áp lực về tỷ giá.
- Đầu tư nước ngoài giảm: Lãi suất cao hơn ở Mỹ cũng có thể khiến việc vay tiền của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, điều này có thể không khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nước ta.
- Dòng vốn chảy ra: Khi lãi suất ở Hoa Kỳ tăng lên, các nhà đầu tư có thể chọn chuyển tiền của họ ra khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam và đưa vào các tài sản bằng đô la Mỹ. Điều này có thể làm giảm cầu đối với đồng Việt Nam và gây áp lực giảm giá đồng tiền này.
- Nợ công tăng lên. Các khoản nợ nước ngoài đa phần đều phải thanh toán bằng USD; lãi suất FED tăng khiến khoản nợ tăng theo tỷ giá và lãi suất USD. Gây ảnh hưởng đến cán cân thu chi của Chính phủ.
- Lãi suất điều hành tăng lên. Lãi suất FED tăng làm đồng USD hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, đồng tiền nội địa mất sức hấp dẫn. Trước tình hình đó, NHNN tăng lãi suất điều hành nhằm giữ ổn định tỷ giá cũng như kiểm soát lạm phát. Lãi suất điều hành từ NHNN tăng khiến lãi suất cho vay tăng. Riêng lãi suất cho vay đầu tư các tài sản rủi ro sẽ ít được giải ngân hoặc lãi suất rất cao.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích thực tế chỉ số DXY (đo lường biến động giữa đồng USD và 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) hiện đang rất thấp, tuy mấy phiên gần đây có tăng nhưng chỉ khoảng hơn 100 điểm. Chỉ số này lúc cao lên đến trên 113 điểm. Những điều này đều phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước, phù hợp với cách điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng.
“Việc giữ vững giá trị Đồng Việt Nam so với USD theo tôi vẫn được đảm bảo, từ đó hỗ trợ cho hoạt động và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn. Do đó, theo tôi, không quá lo ngại về đợt tăng lãi suất lần này của Fed,” ông Thịnh nói.
Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Linh – Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất lần này không có gì bất ngờ.
“Chúng ta đã hoàn toàn dự tính và tiên liệu được trước việc này. Theo quan điểm của tôi, việc biến động này sẽ không ảnh hưởng gì tới việc điều hành cũng như thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện tại,” bà Đỗ Hoài Linh nói.
Như vậy, hiện tại, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chắn chắn, linh hoạt nhưng hiệu quả và kịp thời đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô. Và nhờ đó, việc tăng lãi suất liên tục của FED chưa ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế Việt Nam.
Kết luận
Như vậy, bài viết trên đây đã tổng quan tình hình lãi suất tại Mỹ hiện nay và những dự đoán ngắn hạn cho nền kinh tế Việt Nam. Để biết thêm nhiều kiến thức thú vị về tài chính, hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!