Ngày nay, đối với các đồng tiền mạnh, thị trường tiền tệ đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia của chúng. Chúng ta có thể ký một tờ séc bằng đô la Mỹ từ tài khoản mở tại ngân hàng ở Tokyo, hoặc ký một tờ séc bằng Yên Nhật từ tài khoản mở tại ngân hàng ở New York. Khởi đầu cho sự tăng trưởng Eurocurrencies là sự xuất hiện của Eurodollars vào những năm 1950. Vậy, để tìm hiểu kỹ hơn về Eurodollar và những đặc điểm của đồng tiền này, hãy tiếp tục cùng libra24h.com theo dõi bài viết sau đây nhé!
1. Khái niệm Eurodollar
Ban đầu chúng được giới hạn ở khu vực châu Âu, do đó có tên là “Eurodollar.”
Thuật ngữ này ban đầu được đặt chỉ dành cho đồng đô la Mỹ tại các ngân hàng châu Âu, nhưng sau này nó đã được mở rộng phạm vi. Tiền gửi bằng đô la Mỹ ở Tokyo hoặc Bắc Kinh cũng được coi là tiền gửi Eurodollar. Eurodollar không có kết nối với đồng Euro hoặc Eurozone. Tiền tố Euro được sử dụng để chỉ bất kỳ loại tiền tệ nào được giữ ở một quốc gia mà nó không phải là đồng tiền chính thức: ví dụ, Euroyen hoặc thậm chí Euroeuro.
Một món nợ bằng đô la Mỹ được thỏa thuận tại châu Âu gọi là một “Eurodollar loan” (khoản cho vay bằng đồng đô la tại nước ngoài). Thị trường vay mượn hay mua bán các Eurodollar loans đó là Eurodollar market.
Thị trường Eurodollar (đô la châu Âu) rất rộng lớn, ước tính tổng số lượng của thị trường vượt trên 1000 tỷ USD, trong đó hoạt động của Eurodollar chiếm tới 65 – 70% tổng doanh số họat động toàn thị trường Eurocurrency, sau đó là Euromark, Eurofrancs, Eurosterling và Euroyen. Chính vì vậy, theo nghĩa hẹp, khi nói đến Eurocurrency thì người ta còn hiểu đó chính là thị trường Eurodollars.
2. Lịch sử của eurodollar
Thị trường Eurodollar có từ thời kỳ sau Thế chiến thứ hai. Khi phần lớn châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh và Hoa Kỳ đã cung cấp kinh phí thông qua Kế hoạch Marshall để tái thiết lục địa này. Điều này dẫn đến sự lưu thông rộng rãi của đồng đô la ra nước ngoài và hình thành nên một thị trường riêng biệt, ít bị quản lý hơn so với tại thị trường gốc của đồng đô la đó.
Không giống như các khoản tiền gửi trong nước của Hoa Kỳ, các khoản tiền eurodollar này không phải tuân theo các yêu cầu về dự trữ của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
3. Đặc điểm của Eurodollar
3.1. Không bị chịu kiểm soát chặt chẽ như đồng đô la ở Mỹ
- Vì Eurodollar không phải chịu sự kiểm soát của FED nên thực tế, các khoản tiền gửi này có thể có lãi suất linh hoạt hơn
- Lãi suất cho vay của nó dựa trên cơ sở lãi suất LIBOR (London interbanks offer rate), đó là lãi suất 6 ngân hàng hàng đầu của Anh cho vay vào mỗi buổi sáng khi thị trường giao dịch bắt đầu mở cửa cộng thêm một tỷ lệ phần trăm nhất định tuỳ theo tính chất của vốn vay
-
- Thị trường tiền tệ Châu Âu (Eurodollar market) là nơi gặp gỡ của các NHTW, NHTM và các công ty lớn trên toàn cầu. Nó là cầu nối tài chính giữa nội địa Châu Âu và thế giới. Điển hình là các khoản tiền gửi bằng USD tại Mỹ, luân chuyển nhanh chóng qua London và từ London phân bổ đi khắp nơi có nhu cầu tại Châu Âu hoặc từ Châu Âu đi nơi khác.
Xem thêm: Chủ thể tham gia thị trường ngoại hối
3.2. Không phải chịu thuế thu nhập từ đầu tư vào chứng khoán nước ngoài (The U.S. Interest Equalization Tax-IET)
Đây là một quy chế khác đã tác động làm tăng trưởng tín dụng Eurodollars: Mỹ đánh thuế thu nhập đối với người cư trú có thu nhập từ đầu tư vào chứng khoán nước ngoài (IET). Điều này hàm ý, để kích thích công dân Mỹ tiếp tục cho người nước ngoài vay, thì lãi suất người nước ngoài chào vay phải tương đối cao đủ để bù đắp chi phí thuế thu nhập (IET) nói trên. Để giảm chi phí, những người nước ngoài chuyển sang vay USD trên thị trường Eurodollars (vì đồng Eurodollar không phải chịu sự kiểm soát như đồng dollar lưu hành trong nước Mỹ nên nó không bị chịu thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán nước ngoài) .
3.3. Có sức ảnh hưởng đến tình hình kinh tế – tài chính của quốc gia gốc.
Thị trường Eurodollar cũng tạo ra sự bất ổn cho nước Mỹ (nước chủ quyền của đồng tiền này). Khi có những áp lực về tỷ giá sẽ làm cho giá trị của đồng USD tăng lên hay giảm xuống, dẫn đến lãi suất thị trường trong nước có thể thay đổi, nó tác động đồng thời ở cả hai thị trường Eurodollar và thị trường nội tệ Mỹ.
Chúng ta có thể xem xét vấn đề trên qua hai trường hợp: (i) đồng tiền USD đang bị áp lực giảm giá; (ii) đồng tiền USD đang bị áp lực tăng giá.
Khi đồng USD có áp lực giảm giá thì khả năng đồng tiền này chạy ra khỏi nước Mỹ với số lượng lớn là điều không thể tránh khỏi, người dân muốn đổi nhanh chóng từ USD ra các đồng tiền khác để tránh nguy cơ mất giá của đồng tiền. Để hạn chế lượng vốn chạy ra nước ngoài, Chính phủ Mỹ phải có những biện pháp cứng rắn như kiểm soát số lượng USD mà người nước ngoài có thể vay tại Mỹ. Điều này làm cho thị trường Eurodollar ngoài nước Mỹ có cơ hội phát triển mạnh, làm cho lãi suất của thị trường trong nước, nơi đồng USD bị kiểm soát, giảm xuống.
Khi đồng USD có áp lực tăng giá, để tránh luồng vốn đổ vào Mỹ do dự đoán đồng USD lên giá, chính phủ Mỹ phải có chính sách kiểm soát nguồn vốn này, những biện pháp này có mục đích giới hạn lượng vốn mà người nước ngoài có thể gửi tại Mỹ và giới hạn lượng USD mà người dân Mỹ có thể cho vay ra nước ngoài. Bất kì người nào không có quốc tịch Mỹ mà muốn giữ tài khoản tiền gửi bằng USD chỉ còn một cách là thông qua thị trường Eurodollar, kết quả là làm cho lãi suất tiền gửi của đồng USD ở thị trường thấp hơn so với thị trường nước Mỹ.
4. Eurobanks
Nguyên nhân chính khiến cho các hoạt động của Eurobanks thành công ngay cả sau khi Chính phủ Mỹ bãi bỏ các quy chế khắt khe đối với các ngân hàng Mỹ là: Eurobanks có khả năng trả lãi suất tiền gửi cao hơn và thu lãi suất cho vay thấp hơn so với các ngân hàng ở Mỹ. Đây là lợi thế cạnh tranh và là nguyên nhân cơ bản giúp cho các hoạt động của Eurobanks tồn tại, được ưa chuộng và phát triển.
Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi tại các Eurobanks là hẹp hơn so với tại các ngân hàng ở Mỹ. Có nhiều nguyên nhân giải thích điều này, nhưng nhìn chung, những nguyên nhân chính bao gồm: Khác với các ngân hàng kinh doanh nội địa, các Eurobanks được độc lập với những quy chế kiểm soát của chính phủ, đặc biệt là không phải tham gia dự trữ bắt buộc. Trong khi đó, các ngân hàng nội địa phải trích một phần tài sản hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu dự trữ bắt buộc không có lãi suất hoặc lãi suất rất thấp. Trong khi đó, do các Eurobanks không phải là đối tượng phải tham gia dự trữ bắt buộc, cho nên chúng có khả năng chỉ duy trì một lượng tài sản tối ưu có mức lãi suất thấp làm tài sản dự trữ, chính vì vậy mà các Eurobanks có thể trả lãi suất tiền gửi cao hơn và thu lãi suất cho vay thấp hơn so với các ngân hàng ở Mỹ.
Những hoạt động của các Eurobanks chịu sự cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ và những điều kiện tham gia hoạt động trên thị trường này tương đối dễ dàng so với những hoạt động ngân hàng nội địa. Điều này khiến cho thị trường Eurocurrency càng trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn.
Các Eurobanks không phải trả phí bảo hiểm tiền gửi, trong khi đó các ngân hàng Mỹ phải trả phí bảo hiểm tiền gửi.
Nhìn chung, đội ngũ khách hàng được các Eurobanks cho vay đều là những khách hàng có chất lượng cao, có tỷ lệ vỡ nợ không đáng kể, ngược lại, những khách hàng mà các ngân hàng nội địa cho vay thường có tỷ lệ vỡ nợ khá cao, do đó, các ngân hàng nội địa phải thu thêm một khoản phí cho vay để bù đắp rủi ro, làm cho mức lãi suất cho vay bị đội lên và mức lãi suất tiền gửi giảm xuống
Bài viết trên đây mang đến một số thông tin hữu ích cho người đọc về “Eurodollar” và các thuật ngữ quan trọng liên quan đến nó. Để biết thêm nhiều kiến thức ngoại hối bổ ích, các bạn hãy tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo của libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen