1. Khái niệm
Điểm Piotroski (Piotroski Score) là điểm số có thang đo từ 0 đến 9, phản ánh 9 tiêu chí được sử dụng để xác định sức mạnh và tình hình tài chính của một công ty.
Điểm Piotroski được sử dụng để xác định giá trị của các loại cổ phiếu, với 9 là tốt nhất và 0 là kém nhất. Piotroski Score được đặt theo tên của vị Giáo sư đã nghĩ ra thang đo này – Joseph Piotroski.
Xem thêm: Một số cách định giá cổ phiếu, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Ông đã phát triển một bộ quy tắc nhằm tìm kiếm những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt về tỷ suất lợi nhuận, cơ cấu vốn, tính thanh khoản và hiệu quả hoạt động.
Để sàng lọc doanh nghiệp, Josseph Piotroski sử dụng 1 danh sách các tiêu chí và cho điểm thưởng đối với mỗi chỉ tiêu của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí trong danh sách này.
Đối với mỗi tiêu chí đáp ứng, doanh nghiệp sẽ được cộng một điểm; nếu không đáp ứng, không có điểm nào được trao. Điểm sau đó được cộng lại để xác định cổ phiếu có giá trị tốt nhất.
Xem thêm: Cách sử dụng mô hình định giá tài sản vốn CAPM để đầu tư hiệu quả
2. Các tiêu chí chấm điểm Piotroski
Để xác định Điểm Piotroski, chúng ta sẽ xác định 9 hệ số của Báo cáo tài chính, thuộc 3 nhóm chính: về Khả năng sinh lời; về Đòn bẩy, Cơ cấu vốn và tính thanh khoản; và về Hiệu quả hoạt động.
a. Khả năng sinh lời
Đối với Khả năng sinh lời, chúng ta xét đến 4 yếu tố:
- Thu nhập ròng (net income)
Thu nhập ròng (hay được gọi là Lợi nhuận sau thuế) là chỉ tiêu mấu chốt để đánh giá kết quả kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp và là chỉ tiêu dùng để đánh giá hiệu quả kinh doanh theo thời gian. Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp là một số dương và tăng đều trong 3 năm gần nhất, doanh nghiệp sẽ được tính 1 điểm. Ngược lại, nếu lợi nhuận doanh nghiệp < 0 (thậm chí là giảm dần theo thời gian), doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Net Operating Cash Flow)
Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh (Net Operating Cash Flow) được coi là một chỉ tiêu thể hiện khả năng thanh khoản trong kỳ của doanh nghiệp và là biểu hiện của khả năng sinh lợi theo thời gian. Khả năng sinh lợi của doanh nghiệp thường gắn chặt với khả năng thanh khoản.
Xem thêm: Quy mô tài chính – Góc nhìn tổng quát về tài chính doanh nghiệp
Dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh = Dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh – Dòng tiền chi cho hoạt động kinh doanh
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh > 0 có nghĩa là doanh nghiệp có thể tạo ra đủ tiền mặt để hoạt động liên tục mà không cần huy động thêm tiền.
Nếu doanh nghiệp có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh > 0 thì sẽ được cộng 1 điểm.
Ngược lại, nếu dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh < 0, doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
- ROA trong năm hiện tại
Sức sinh lợi của tài sản (ROA) đo lường khả năng sinh lợi của tài sản bình quân trong doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết, một đơn vị tài sản bình quân sử dụng vào hoạt động kinh doanh đem lại bao nhiêu đơn vị lợi nhuận sau thuế. ROA cao thể hiện các tài sản đang được sử dụng và quản lý tốt.
Xem thêm: Chỉ số cơ bản ROA, ROE, ROS – những điều cần biết về chứng khoán cho người mới bắt đầu
Nếu doanh nghiệp có ROA năm nay cao hơn ROA năm liền kề thì sẽ được cộng 1 điểm. Ngược lại, ROA năm nay thấp hơn ROA năm liền kề, doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
Sức sinh lợi của tài sản (ROA) = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản bình quân.
- Chất lượng lợi nhuận (Quality of Earnings)
Mục tiêu của chỉ tiêu này là giảm thiểu các nguy cơ doanh nghiệp sử dụng các thủ thuật kế toán nhằm làm đẹp Báo Caó Tài Chính.
Khi tính Điểm Piotroski, nếu doanh nghiệp có Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Net Operating Cash Flow) > Lợi nhuận sau thuế (Net Income) thì sẽ được cộng 1 điểm.
Ngược lại, nếu Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Net Operating Cash Flow) < Lợi nhuận sau thuế (Net Income), doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
b. Đòn bẩy – Cơ cấu vốn – Tính thanh khoản của doanh nghiệp
Ở mục này, chúng ta xét 3 yếu tố:
- Hệ số dài hạn trên tổng tài sản (Long-term Debt to Assets)
Chỉ tiêu này phản ánh tài sản của doanh nghiệp được tài trợ từ bao nhiêu phần là nợ dài hạn.
Hệ số nợ dài hạn trên tổng tài sản = Tổng nợ dài hạn/Tổng tài sản.
Chỉ tiêu này được so sánh qua các năm để xem xét khả năng tăng trưởng của nợ dài hạn có cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của doanh nghiệp hay không và có nguy cơ dẫn đến suy yếu khả năng thanh toán hay không.
Doanh nghiệp có hệ số nợ dài hạn trên tài sản năm nay nhỏ hơn hoặc bằng trung bình của hệ số này trong 3 năm trước đó thì được cộng 1 điểm.
Ngược lại, hệ số nợ dài hạn trên tài sản năm nay lớn hơn trung bình của hệ số này trong 3 năm trước đó thì doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
- Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn (Current Ratio)
Chỉ tiêu này đo lường khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng như sự gia tăng của tài sản ngắn hạn thuần của doanh nghiệp. (Nợ ngắn hạn là các khoản nợ dưới 1 năm mà doanh nghiệp phải thanh toán).
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn.
Chỉ tiêu này càng cao thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp càng tốt, ít gặp rủi ro trong thanh toán.
Khi tính Điểm Piotroski, doanh nghiệp có hệ số này năm nay cao hơn năm trước (thể hiện khả năng thanh toán nợ được cải thiện) thì được cộng 1 điểm, và ngược lại, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn năm nay thấp hơn năm trước, doanh nghiệp sẽ không được cộng điểm.
- Số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành (Shares Outstanding)
Việc một doanh nghiệp phát hành quá nhiều cổ phiếu (huy động thêm vốn từ bên ngoài) sẽ làm loãng Lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) bị pha loãng, EPS giảm. Bạn cũng cần đánh giá xem, việc gia tăng số lượng cổ phiếu (khiến cho EPS giảm trong ngắn hạn) có tương xứng với thu nhập sẽ thu lại được trong tương lai hay không?
Xem thêm: EPS và những lưu ý để đánh giá một công ty
Khi tính Điểm Piotroski, số lượng cổ phiếu lưu hành năm hiện tại nhỏ hơn hoặc bằng số cổ phiếu lưu hành năm trước cộng thêm 2% số lượng cổ phiếu lưu hành năm đó, thì doanh nghiệp sẽ được cộng 1 điểm.
c. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ở mục này, ta xét 2 tiêu chí:
- Biên lợi nhuận gộp (gross margin)
Lợi nhuận gộp là chỉ tiêu tài chính đo lường khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần tiêu thụ – Giá vốn hàng tiêu thụ.
Biên lợi nhuận gộp lớn hơn và doanh thu ổn định theo thời gian, sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận dự kiến hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng cần phải theo dõi vì nó có liên quan đến yếu tố thị trường (ví dụ giá nguyên vật liệu…) và yếu tố cạnh tranh thị trường.
Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/ Doanh thu thuần.
Việc biên lợi nhuận gộp được cải thiện là tín hiệu tốt cho sự cải thiện về chi phí sản xuất, hay việc tăng giá bán sản phẩm của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có Biên lợi nhuận gộp năm nay cao hơn năm trước thì cộng thêm 1 điểm.
- Hệ số vòng quay tổng tài sản (asset turnover ratio) cao hơn so với năm trước
Số vòng quay của tài sản thể hiện khả năng khai thác các tài sản trong doanh nghiệp cao hay thấp. Một doanh nghiệp nếu có số vòng quay của tài sản năm nay cao hơn năm trước sẽ được cộng thêm 1 điểm
Số vòng quay của tài sản = Doanh thu thuần tiêu thụ/ Tổng tài sản bình quân
Như vậy, dựa vào các phân tích trên, Điểm Piotroski được xác định cụ thể như sau:
Tiêu chí về lợi nhuận
- Thu nhập ròng dương (+ 1 điểm)
- Lợi nhuận trên tài sản dương trong năm hiện tại (+ 1 điểm)
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương trong năm hiện tại (+ 1 điểm)
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lớn hơn Thu nhập ròng (chất lượng của các khoản lợi nhuận) (+ 1 điểm)
Tiêu chí về đòn bẩy, thanh khoản và nguồn vốn
- Tỉ lệ nợ dài hạn trong giai đoạn hiện tại thấp hơn so với cùng kì năm trước (tỉ lệ đòn bẩy giảm) (+ 1 điểm)
- Tỉ lệ thanh toán ngắn hạn năm nay cao hơn so với năm trước (thanh khoản lớn hơn) (+ 1 điểm)
- Không có cổ phiếu mới được phát hành trong năm qua (không pha loãng) (+ 1 điểm).
Tiêu chí hoạt động hiệu quả
- Biên lợi nhuận gộp cao hơn so với năm trước (+ 1 điểm)
- Hệ số vòng quay tổng tài sản cao hơn so với năm trước (+ 1 điểm)
Nếu một công ty có điểm 8 hoặc 9, công ty đó được coi là có giá trị tốt. Nếu điểm từ 0 đến 2 điểm, cổ phiếu sẽ bị coi là yếu.
Tất nhiên, với bất kì kênh đầu tư nào, nhìn vào kết quả trong quá khứ không có nghĩa là nó sẽ hoạt động theo cách tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, sử dụng điểm Piotroski vẫn là một phương pháp được nhiều nhà đầu tư yêu thích khi muốn chọn ra những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính một cách nhanh chóng nhất. Bởi tính toán Điểm Piotroski khá đơn giản và dễ thực hiện, chỉ thông qua các hệ số tài chính cốt lõi và cơ bản.
Bài viết trên đã đem lại kiến thức tổng quát nhất về Điểm Piotroski và những tiêu chí cần thiết để tính toán hiệu quả hệ số này khi đánh giá một công ty. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen