1. Chỉ số P/B là gì?
Các công ty sử dụng tỷ lệ P/B (Price-to-Book) để so sánh giá trị vốn hóa thị trường của một công ty với giá trị sổ sách của nó. Nói cách khác, P/B là tỷ số thể hiện giá cổ phiếu gấp bao nhiêu lần tài sản ròng (ghi ở báo cáo tài chính) của doanh nghiệp. P/B có thể được các nhà đầu tư sử dụng để xác định các khoản đầu tư tiềm năng.
2. Công thức tính P/B
Tỷ lệ P/B = (Giá trị trường của mỗi cổ phiếu)/ (Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu)
Với P = Price market (giá trị thị trường)
B = Book value (giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu)
Hoặc Tỷ lệ P/B = (Vốn hóa công ty)/(Vốn chủ sở hữu)
Trong đó, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu = (tổng tài sản – tổng nợ phải trả) / (số lượng cổ phiếu đang lưu hành).
Giá trị thị trường trên mỗi cổ phiếu có được bằng cách đơn giản nhìn vào giá cổ phiếu trên thị trường.
Ví dụ: Giả sử rằng một công ty có 100 triệu đô la tài sản trên bảng cân đối kế toán và 75 triệu đô la nợ phải trả. Giá trị sổ sách của công ty đó sẽ được tính đơn giản là 25 triệu đô la (100 triệu đô la – 75 triệu đô la). Nếu có 10 triệu cổ phiếu đang lưu hành, mỗi cổ phiếu sẽ tương ứng với 2,50 đô la giá trị sổ sách. Nếu giá cổ phiếu là $5, thì tỷ lệ P/B sẽ là 5/2,5. Điều này cho thấy rằng giá thị trường được định giá gấp đôi giá trị sổ sách của nó. Hay các nhà đầu tư vẫn đang tin tưởng vào triển vọng của cổ phiếu công ty này và sẵn sàng trả gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Tỷ lệ P/B thấp hơn có thể có nghĩa là cổ phiếu bị định giá thấp hơn. Tuy nhiên, cũng có thể nghĩa là có điều gì đó không ổn về cơ bản với công ty. Tương tự như hầu hết các tỷ lệ khác, tỷ lệ P/B trung bình cũng thay đổi tùy theo từng ngành. Tỷ lệ P/B cũng cho biết liệu bạn có phải trả quá nhiều cho tài sản còn lại sau khi thanh toán hết nợ nếu công ty phá sản ngay lập tức hay không.
3. Đặc điểm cần lưu ý của chỉ số P/B
Do các quy ước kế toán về việc xử lý các chi phí nhất định, giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu thường cao hơn giá trị sổ sách của một công ty, dẫn đến tỷ lệ P/B lớn hơn 1,0. Trong một số trường hợp khó khăn về tài chính, phá sản hoặc khả năng thu nhập giảm, tỷ lệ P/B của một công ty có thể giảm xuống dưới giá trị 1.0 vì khi đó niềm tin của nhà đầu tư vào công ty đang bị giảm dần, dẫn đến giá cổ phiếu và vốn hóa của công ty bị giảm.
Rất khó để xác định một giá trị số cụ thể của tỷ lệ P/ B được coi là “tốt” hay không. Việc phân tích tỷ lệ có thể khác nhau tùy theo ngành. Một tỷ lệ P/B có thể là tốt cho một ngành nhưng có thể lại là một tỷ lệ kém cho ngành khác.
Tỷ lệ P/B đã được các nhà đầu tư giá trị ưa chuộng trong nhiều thập kỷ và được các nhà phân tích thị trường sử dụng rộng rãi. Theo truyền thống, bất kỳ giá trị nào dưới P/B trung bình của ngành đều được coi là có tiềm năng cho các nhà đầu tư giá trị, cho thấy một cổ phiếu có khả năng bị định giá thấp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá trị thường có thể coi các cổ phiếu có giá trị P/B dưới 3.0 là điểm chuẩn của mình.
Xem thêm: EPS và những lưu ý để đánh giá một công ty
4. Ý nghĩa của chỉ số P/B
Chỉ số P/B thấp
Cổ phiếu đang bị định giá thấp.
Nhà đầu tư đang hoài nghi rằng công ty đang gặp vấn đề về tài chính, kinh doanh,…
Tài sản thực tế của công ty thấp hơn tài sản ghi trong sổ sách.
Chỉ số P/B cao
Cổ phiếu đang được định giá cao.
Nhà đầu tư đang đặt niềm tin rằng triển vọng về công ty khá tốt.
Công ty đang có nhiều tài sản đáng giá như: bằng sáng chế, bất động sản, hoặc công ty đang nắm giữ cổ phần của các công ty khác.
Mối quan hệ giữa chỉ số P/B và ROE
Tỷ lệ P/B là một minh chứng thực tế có giá trị cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng ở một mức giá hợp lý. P/B thường được xem xét kết hợp với chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) – một chỉ số tăng trưởng đáng tin cậy.
Xem thêm: Chỉ số cơ bản ROA, ROE, ROS – những điều cần biết về chứng khoán cho người mới bắt đầu
Sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ P/B và ROE thường khiến các công ty phải chú ý. Các cổ phiếu được định giá quá cao thường cho thấy sự kết hợp giữa ROE thấp và P/B cao. Nếu ROE của một công ty đang tăng lên, thì tỷ lệ P/B của công ty đó cũng sẽ tăng lên, vì khi lợi nhuận của công ty tăng thì nhà đầu tư cũng kỳ vọng nhiều hơn, khiến giá cổ phiếu tăng lên.
5. Tỷ lệ P/B bao nhiêu là hợp lý?
Như đã đề cập bên trên, không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho câu hỏi liệu P/B bao nhiêu là tốt? Chỉ số P/B phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh của doanh nghiệp, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước. Đánh giá P/B sẽ khác nhau đối với từng doanh nghiệp khác nhau.
Khi các yếu tố của doanh nghiệp như nhau, thì chỉ số P/B càng thấp càng tốt
Những công ty có thiên hướng tăng trưởng, blue chip bền vững thường sẽ có chỉ số P/B rất cao. Ví dụ Vinamilk có P/B >10 (cuối năm 2017), hay của Vingroup có P/B = 10. Những công ty có thiên hướng giá trị thì có P/B thấp như Vinasun có P/B = 0.6 hay Hoàng Anh Gia Lai có P/B =0.5
Để nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu tốt và tránh xa cổ phiếu xấu, chúng ta có thể cân nhắc các khía cạnh sau đây:
- Cổ phiếu của các công ty tạm tạm, tăng trưởng năm được năm mất, thua lỗ, thiếu ổn định mà P/B cao (P/B >1 chẳng hạn), P/B càng cao thì càng tránh xa.
- Thực tế tài sản của công ty có thực sự đáng giá hay không? Ví dụ công ty có quá nhiều hàng tồn kho và các khoản phải thu thì chỉ số P/B càng dễ là số ảo, khi đó giá trị sổ sách thực tế thấp hơn rất nhiều dẫn đến P/B bị tăng lên.
- Yếu tố rủi ro của doanh nghiệp: rủi ro về tài chính như các khoản nợ; hay rủi ro về kinh doanh như khả năng xâm nhập ngành; rủi ro về quản trị như sự trung thực…
Nếu tính toàn cục thì P/B càng cao thì càng rủi ro và ngược lại P/B thấp sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư không hiểu sâu về P/B thì bạn vẫn thất bại như thường.
Nếu bạn mua cổ phiếu của những công ty có tỷ lệ P/B thấp nhưng gặp vấn đề khó xoay chuyển tình thế hay những công ty có P/B quá cao nhưng triển vọng không quá tốt, bạn sẽ đều gặp rắc rối.
Thông thường, P/B giao động từ 0.7 đến 1.5 được xem là bình thường. Khi bạn mua cổ phiếu có chỉ số P/B cao, hãy đảm bảo đó là cổ phiếu từ những công ty thực sự chất lượng và tăng trưởng.
Ngoài ra, bạn có thể định giá dựa vào P/B quá khứ của chính doanh nghiệp với giả định chỉ số P/B không đổi, từ năm này qua năm khác. Tiến hành mua vào khi P/B thấp hơn đáng kể P/B trung bình quá khứ.
Bài viết trên đã đem lại kiến thức tổng quát nhất về tỷ lệ P/B và những điểm cần lưu ý về P/B để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen