1. Chỉ số EPS là gì?
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) được tính bằng lợi nhuận của công ty chia cho số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của công ty đó. Con số kết quả đóng vai trò như một chỉ báo về khả năng sinh lời của một công ty so với lượng vốn họ bỏ ra ban đầu.
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu là một trong những biến số quan trọng nhất để xác định giá cổ phiếu của một công ty. EPS cao cho thấy công ty có lợi nhuận cao hơn và có nhiều lợi nhuận hơn để phân phối cho các cổ đông.
Tính toán EPS cơ bản của một công ty rất đơn giản. Ví dụ:
Công ty M phát hành 5 triệu cổ phiếu thông thường trên thị trường. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của công ty M là 1 triệu USD. Khi ấy, mỗi cổ phiếu sẽ có EPS là 5 USD, hay mỗi cổ phiếu của công ty M có lợi nhuận khoảng 5 USD.
Nếu một công ty đang trả cổ tức, khoản cổ tức đó sẽ bị trừ khỏi thu nhập ròng hoặc lợi nhuận trước khi tính toán EPS.
2. Phân loại EPS
Chỉ số EPS được chia thành hai loại chính: EPS cơ bản và EPS pha loãng
EPS cơ bản
Chỉ số EPS cơ bản (Basic EPS) là lợi nhuận trên một cổ phiếu thông thường. Loại EPS này được tính dựa trên công thức sau:
EPS = (Thu nhập ròng - Cổ tức ưu đãi)/Tổng số cổ phần thường đang lưu hành
Trong đó:
Thu nhập ròng = Doanh thu – Giá vốn bán hàng – Các loại chi phí (Quản lý doanh nghiệp + Phí bán hàng + Các khoản phí bất thường) + Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính + Các khoản thu nhập bất thường khác – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Cổ tức ưu đãi: Là khoản thu nhập mà các nhà đầu tư thu được từ các cổ phiếu ưu đãi. Thông thường, mức lợi nhuận này được niêm yết theo mức tỷ lệ cố định trên mệnh giá của cổ phiếu đó.
– Số lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành: Khi tính toán chỉ số EPS khuyến cáo sử dụng số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để có dữ liệu chính xác nhất. Nguyên nhân bởi số lượng cổ phiếu liên tục thay đổi. Nhưng thực tế để đơn giản việc tính toán thì sẽ lấy số lượng cổ phiếu cuối kỳ hiện đang được lưu hành.
EPS pha loãng
Chỉ số EPS pha loãng (Diluted EPS) thường được các doanh nghiệp sử dụng như một cách để hạn chế mức độ rủi ro, pha loãng lợi nhuận trên mỗi một cổ phiếu xảy ra khi doanh nghiệp phát hành các loại cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi hay ESOP.
EPS pha loãng = (Thu nhập ròng – Cổ tức ưu đãi)/(Lượng cổ phiếu đang lưu hành + Lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi)
Xét về mức độ chính xác, EPS pha loãng đưa ra tính chính xác cao hơn so với EPS cơ bản bởi nó phản ánh được sự thay đổi khối lượng cổ phiếu ở tương lai qua những biến cố, sự kiện xảy ra của doanh nghiệp.
Trên thực tế, nhiều trader chỉ thường để ý đến chỉ số EPS cơ bản mà không để ý đến những yếu tố ảnh hưởng đến EPS trong tương lai. Để có thể khái quát được toàn bộ những biến động của môi trường và đo lường được mức thu nhập của mỗi cổ phiếu sau thuế, các doanh nghiệp cần đánh giá kết quả kinh doanh dựa trên cả 2 chỉ số EPS cơ bản và EPS pha loãng.
3. Mối quan hệ giữa P/E và EPS
EPS được sử dụng để tính toán một con số phân tích cổ phiếu quan trọng khác: tỷ lệ giá trên thu nhập hoặc tỷ lệ P/E. Tỷ lệ P/E là một chỉ báo tốt về sức khỏe của một công ty được thể hiện thông qua thu nhập. Điều này được tính bằng cách chia giá cổ phiếu cho EPS:
P/E = P/EPS
Ví dụ: Nếu giá thị trường của cổ phiếu công ty XYZ là 15 USD và EPS của công ty là 1 USD, thì tỷ lệ P/E sẽ là 15/1 = 15 USD. Tức là cổ phiếu đang được bán với giá cao hơn 15 lần so với thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Một nhà đầu tư có thể sử dụng điều này để đánh giá liệu một cổ phiếu được định giá quá cao hay được định giá thấp hơn hoặc để so sánh hoạt động của các cổ phiếu trong cùng một ngành
4. Hạn chế của EPS
Khi thu nhập ròng của doanh nghiệp bé hơn cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi khiến chỉ số EPS âm, và công thức P/E hoàn toàn không có ý nghĩa khi EPS âm. Lúc này, công ty cần phải sử dụng đến một công cụ khác để đánh giá mức độ lợi nhuận doanh nghiệp.
Chỉ số EPS dễ bị bóp méo khi có những biến động của doanh nghiệp như: doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có chu kỳ biến động cao, doanh nghiệp bán tài sản,….
EPS sẽ giảm trong trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm các trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu thông thường hay cổ phiếu ESOP. Lúc này, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro và giảm mức lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi đầu tư vào các doanh nghiệp có lợi nhuận ảo bằng việc tăng số lượng hàng tồn kho và các khoản phải thu.
5. EPS bao nhiêu là tốt đối với một công ty?
Công ty hoạt động càng tốt thì EPS càng có xu hướng tăng trưởng đều theo thời gian. Nhà đầu tư có thể dùng nó để so sánh với các công ty đối thủ. Từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc ra quyết định nên bỏ tiền vào công ty nào để thu về lợi nhuận cao nhất, tốt nhất.
- Xem thêm: Tổng hợp những điều cần biết về sàn HOSE, HNX và UPCOM năm 2021
- Xem thêm: Chỉ số cơ bản ROA, ROE, ROS – những điều cần biết về chứng khoán cho người mới bắt đầu
Một công ty hoạt động kinh doanh được cho là có hiệu quả tốt nếu ROE > 15%, duy trì liên tục trong 3 năm, giữ vững xu hướng tăng dần trong tương lai. Tất cả các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM sẽ có một mệnh giá duy nhất là 10.000 đồng. Do đó theo cách tính này thì chỉ số EPS > 1.500 đồng thì sẽ được coi là tiềm năng và công ty đó đang kinh doanh với mức tăng trưởng nhanh. Nếu bạn đang có ý định đầu tư thì có thể lựa chọn rót vốn vào những công ty có EPS tối thiểu từ 1.000 đồng trở lên.
Bài viết trên đã đem lại kiến thức tổng quát nhất về chỉ số EPS và những điểm cần lưu ý về EPS để đánh giá một doanh nghiệp. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen