II. EBITDA
Khái niệm
EBITDA (Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation, and Amortization), hay còn được gọi là Thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao, là một thước đo hữu ích để hiểu khả năng của một doanh nghiệp trong việc tạo ra dòng tiền cho chủ sở hữu và để đánh giá hiệu quả hoạt động của một công ty.
EBITDA là thước đo hiệu quả tài chính thể hiện doanh thu của công ty, doanh nghiệp trước khi trừ đi chi phí lãi vay, thuế và khấu hao. Nghĩa là công ty đó tạo ra bao nhiêu lợi nhuận với tài sản hiện tại và hoạt động của công ty đó trên sản phẩm mà nó sản xuất và bán.
Công thức tính
EBITDA biểu hiện cho lợi nhuận hoạt động hiện tại của công ty, được tính bằng thu nhập trừ các chi phí, nhưng chưa trừ các khoản tiền lãi, thuế và khấu hao.
EBITDA = Tổng doanh thu sau thuế + Thuế + Tiền lãi + Chi phí khấu hao EBITDA = Tổng doanh thu trước thuế + Tiền lãi vay + Chi phí khấu hao EBITDA = EBIT + Chi phí khấu hao
Trong đó:
EBIT là Thu nhập trước Lãi suất và Thuế đã được phân tích ở phần trước. Các số liệu về lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, thuế, khấu hao, lãi vay bạn có thể xem trong báo cáo tài chính hoặc báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp. EBIT được lấy từ bảng hoạt động kinh doanh.
Xem thêm: Những điều cần lưu ý khi sử dụng EBIT và EBITDA để đánh giá một công ty (Phần 1)
Ví dụ: Một công ty có lợi nhuận sau thuế là 100 triệu đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 20 triệu đồng, chi phí khấu hao 10 triệu đồng và chi phí lãi vay 10 triệu đồng. Như vậy, EBITDA của doanh nghiệp được tính như sau:
EBITDA = Lợi nhuận sau thuế + Thuế + Lãi vay + Khấu hao = 100 + 20 +10 + 10 = 140 triệu đồng.
Các nhà phân tích thường dựa vào EBITDA để đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận từ bán hàng của một công ty hoặc các công ty tương tự có cấu trúc vốn khác nhau.
Ý nghĩa
Ronald Samson, nhà phân tích nghiên cứu tại CreditDonkey cho biết: “Nếu được sử dụng đúng cách, EBITDA có thể cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về thu nhập của một công ty và khả năng quản lý tài nguyên của công ty tốt như thế nào”.
EBITDA được sử dụng như một công cụ giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của một công ty. Nó có thể được sử dụng để thể hiện hiệu quả tài chính của một công ty mà không cần tính đến cấu trúc vốn của nó.
Xem thêm: 6 bước để phân tích cơ bản một công ty (Phần 1)
EBITDA tập trung vào các quyết định hoạt động của một doanh nghiệp vì nó xem xét khả năng sinh lời của doanh nghiệp từ các hoạt động cốt lõi của nó trước khi tính đến tác động của cấu trúc vốn, đòn bẩy và các khoản phi tiền mặt như khấu hao.
Tóm lại, sử dụng EBITDA có những ý nghĩa sau:
- Giúp cho nhà quản lý cũng như nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được chính xác hơn, từ đó phán đoán đúng về tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Bên cạnh đó, việc sử dụng EBITDA còn giúp cho các nhà đầu tư loại trừ được các yếu tố kế toán tạo ra bức tranh tài chính hoàn hảo nhất cho các công ty, doanh nghiệp.
- Mặt khác, đối với những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin hoặc những ngành mà có chi phí khấu hao lớn dẫn đến việc lợi nhuận ròng quá thấp thì việc sử dụng EBITDA sẽ giúp làm đẹp cho báo cáo tài chính, tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư.
- Đặc biệt, trong trường hợp bạn đang phân tích, so sánh những doanh nghiệp có sự chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp lớn thì chỉ số EBITDA sẽ giúp bạn đánh giá đúng về tiềm năng của mỗi công ty, từ đó đưa ra lựa chọn đầu tư đúng đắn nhất.
Ứng dụng trong đầu tư
- EBITDA margin (Tỷ suất lợi nhuận EBITDA)
EBITDA margin là một chỉ tiêu vô cùng hữu ích được sử dụng trong phân tích để so sánh lợi nhuận doanh nghiệp qua các năm, các kỳ hay so sánh với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành.
Công thức tính EBITDA margin:
EBITDA margin = EBITDA / Doanh thu thuần
Tỷ suất lợi nhuận EBITDA được coi là tốt khi giữ được mức cao ổn định và cũng cao hơn đa số các công ty khác cùng ngành. EBITDA margin cao cho nhà đầu tư biết rằng một công ty có dòng tiền mạnh và hoạt động kinh doanh có khả năng sinh lời.
- EV/EBITDA
Chỉ số EV/EBITDA là một trong những công cụ được sử dụng phổ biến trong định giá cổ phiếu khi tham gia sàn chứng khoán.
Nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm kiếm những doanh nghiệp có EV/EBITDA càng thấp càng tốt, tránh những cổ phiếu có EV/EBITDA quá cao.
Trong đó EV = Giá trị doanh nghiệp = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ – Tiền mặt
- DEBT/EBITDA
Hệ số DEBT/EBITDA là một tỉ lệ đo lường thu nhập kiếm được và có sẵn để trả nợ trước khi trừ lãi, thuế, chi phí khấu hao. Hệ số DEBT/EBITDA phản ánh khả năng thanh toán nợ phát sinh. Một hệ số cao có thể cho thấy doanh nghiệp hoặc công ty đó gánh nặng nợ quá lớn.
Công thức tính: DEBT/EBITDA = Tổng nợ / EBITDA
Trong đó: Tổng nợ = Tổng các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn.
Những ai nên sử dụng EBITDA
Các chuyên gia tài chính sử dụng EBITDA để hiểu mức lợi nhuận của một công ty. Các nhà đầu tư bán lẻ cũng có thể dễ dàng tìm hiểu cách tính này để giúp họ định giá một khoản đầu tư tiềm năng trước khi thêm nó vào danh mục đầu tư của họ.
Xem thêm: Một số cách định giá cổ phiếu, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Đội ngũ quản lý của một công ty thường sẽ sử dụng EBITDA để đưa ra cái nhìn về giá trị của công ty và chứng minh giá trị của nó đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Các ngân hàng dùng EBITDA vì nó cho họ hình dung về khả năng thanh toán các khoản vay của một doanh nghiệp.
Các nhà phân tích tài chính cũng sử dụng phép tính này để tìm ra điều gì thực sự thúc đẩy giá trị cho một công ty và để dự báo lợi nhuận trong tương lai của công ty
“Các chủ ngân hàng đầu tư thường sử dụng EBITDA để loại bỏ ảnh hưởng của các quyết định tài chính và kế toán đối với hiệu quả hoạt động, cho phép họ đánh giá tốt hơn khả năng trả nợ của công ty và tăng doanh thu hoặc hiệu quả hoạt động” theo Theodore Schneider, giám đốc và cố vấn danh mục đầu tư của Round Table Wealth Management.
Nó cũng có thể được sử dụng để giúp định giá các công ty tư nhân không có giá cổ phiếu giao dịch để giúp xác định giá trị của họ, ông nói thêm
Phân biệt EBIT và EBITDA
Có rất nhiều cuộc tranh luận về việc sử dụng số liệu nào tốt hơn, và chúng ta đưa ra được một số kết luận như sau:
Đối với một công ty hoặc ngành có nhu cầu chi tiêu vốn tương đối thấp để duy trì hoạt động của nó, EBITDA có thể là một đại diện tốt cho dòng tiền.
Tuy nhiên, đối với các công ty trong các ngành thâm dụng vốn như dầu khí, khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng, EBITDA là một thước đo gần như vô nghĩa. Mức chi tiêu vốn lớn cần thiết có nghĩa là EBITDA và dòng tiền thường sẽ rất xa nhau. Trong trường hợp như vậy, EBIT có thể thích hợp hơn, vì Khấu hao và Phân bổ ghi nhận một phần chi phí vốn trong quá khứ.
Lưu ý khi sử dụng EBITDA
Một số nhà đầu tư không thích sử dụng EBITDA vì có những hạn chế đối với công thức và nó dễ bị thao túng. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett nói rằng ông tránh xa EBITDA vì nó có thể được sử dụng để “chỉnh trang” báo cáo tài chính, khiến một công ty yếu kém dường như có sức mạnh tài chính.
Sau đây là một số hạn lưu ý khi sử dụng EBITDA:
- Chỉ số EBITDA không thay thế cho dòng tiền
Chỉ số EBITDA loại bỏ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, không có doanh nghiệp nào hoạt động mà không sử dụng chi phí lãi vay và nộp thuế cho nhà nước. Chính vì vậy mà việc chỉ xem xét chỉ số EBITDA mà không quan tâm đến dòng tiền của doanh nghiệp là điều hết sức vô lý.
- Chỉ số EBITDA có thể làm sai lệch chi phí lãi vay
Để làm rõ hơn về điều này chúng tôi đưa ra một ví dụ cụ thể như sau: Một doanh nghiệp tạo ra mức lợi nhuận sau thuế là 100 triệu đồng, chi phí lãi vay phải trả là 110 triệu đồng, chi phí khấu hao là 50 triệu đồng. Như vậy, nếu chỉ xem xét đến 3 yếu tố này, chúng ta có thể thấy rằng, EBITDA của doanh nghiệp là 260 triệu đồng và công ty có đủ tiền để trả chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, trên thực tế, các máy móc, trang thiết bị của công ty trong quá trình sử dụng sẽ bị hao mòn, cần phải sửa chữa và nâng cấp. Vì vậy mà doanh nghiệp đang làm ăn không thực sự hiệu quả, khó thanh toán các khoản chi phí lãi vay.
- Không nên bỏ qua chất lượng của lợi nhuận ròng
Trong quá trình tính toán, chỉ số EBITDA có thể chịu tác động của các mánh khóe trong kế toán với mục đích tạo ra số liệu EBITDA cao, tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy mà chỉ số EBITDA không thực sự đáng tin cậy, bạn không nên chỉ dựa vào chỉ số này mà bỏ qua chất lượng của lợi nhuận ròng doanh nghiệp đâu nhé.
- Chỉ số EBITDA khiến công ty rẻ hơn
Một điểm hạn chế nữa của chỉ số EBITDA đó là nó có thể khiến cho doanh nghiệp bạn rẻ hơn so với giá trị thực tế. Điều này xảy ra khi mà các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến bội số của chỉ số EBITDA mà bỏ qua số liệu về thu nhập thuần của doanh nghiệp.
Như vậy, bài viết trên đã kết thúc series bài về EBIT và EBITDA, đồng thời đem lại kiến thức tổng quát cũng như những điểm cần lưu ý khi sử dụng EBITDA để đánh giá một công ty. Để tiếp tục đón đọc những thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen