1. Mô hình CAPM là gì?
Mô hình định giá tài sản vốn (Viết tắt là CAPM – Capital Asset Pricing Model) thể hiện mối quan hệ giữa rủi ro và lợi tức kỳ vọng đối với tài sản, đặc biệt là cổ phiếu.
Rủi ro được xét đến ở đây là rủi ro cố hữu đối với toàn bộ thị trường hoặc phân khúc thị trường. Loại rủi ro này không thể dự đoán và không thể tránh được hoàn toàn, ví dụ như rủi ro do chính phủ thay đổi chính sách tài chính, rủi ro đến từ các điều kiện tự nhiên (thiên tai, thay đổi khí hậu,…)
2. Các giả định cho mô hình CAPM
Khi xây dựng bất kỳ mô hình nào người ta cũng đưa ra những giả định cần thiết. Các giả định có nhiệm vụ giúp đơn giản hóa để xây dựng công thức nhưng vẫn đảm bảo không làm thay đổi tính chất vấn đề. CAPM cũng không ngoại lệ và nó có những giả định sau:
- Thị trường hoàn hảo: vay và cho vay với lãi suất phi rủi ro, không có chi phí giao dịch, tất cả các tài sản đều có thể được chia nhỏ và mua bán trên thị trường, có thể bán khống, không có thuế, thông tin miễn phí…
- Các nhà đầu tư tiếp cận các cơ hội đầu tư như nhau. Không có nhà đầu tư nào đủ lớn để ảnh hưởng đến giá của chứng khoán trên thị trường, các nhà đầu tư đều được tiếp cận thông tin như nhau và không chậm trễ, không có sự định giá thị trường sai.
- Các nhà đầu tư có kỳ vọng đồng nhất về lợi nhuận, rủi ro (độ lệch chuẩn, phương sai) của cơ hội đầu tư.
- Nhà đầu tư kỳ vọng nắm giữ chứng khoán trong thời kỳ 1 năm và có hai cơ hội đầu tư: đầu tư vào chứng khoán không rủi ro và đầu tư vào danh mục cổ phiếu thường trên thị trường.
3. Công thức tính CAPM
Bất kì một khoản đầu tư nào được thực hiện, chẳng hạn đầu tư vào cổ phiếu của một công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, đều sẽ có rủi ro là lợi tức thực tế của khoản đầu tư sẽ khác với lợi nhuận kỳ vọng. Các nhà đầu tư khi bắt đầu dự tính lợi nhuận cũng sẽ tính đến rủi ro của một khoản đầu tư, và mô hình CAPM là một phương pháp tính toán lợi tức cần thiết cho một khoản đầu tư dựa trên việc đánh giá rủi ro của nó.
Xem thêm: Sử dụng chiến lược trung bình giá DCA có phải quyết định thông minh?
Công thức tính lợi nhuận kỳ vọng của một tài sản trong mô hình CAPM sẽ được tính như sau:
Ri = Rf + βi [Rm – Rf] (1)
Trong đó:
Ri: lợi tức mong muốn từ một tài sản i
Đại diện cho lợi tức kỳ vọng của tài sản vốn theo thời gian, là biến phụ thuộc vào tất cả các biến khác trong phương trình trên.
Rm: Tỷ suất sinh lời kì vọng của toàn bộ thị trường
Rm thể hiện được mức lợi nhuận kỳ vọng của tất cả các nhà đầu tư đang nhắm đến cổ phiếu đó.
Rf: Lãi suất phi rủi ro (Lợi nhuận không rủi ro – risk free rate)
Lãi suất phi rủi ro là lãi suất mà độ rủi ro gần như bằng 0. Trong thực tế, không có thứ gọi là lãi suất phi rủi ro. Trong đó, trái phiếu chính phủ được xem là khoản đầu tư ít rủi ro nhất và có thể được xem như một khoản thay thế chấp nhận được cho Rf. Nó thường xét trong khoảng thời gian 10 năm
[Rm – Rf]: khoản gia tăng bù đắp rủi ro thị trường
βi (Hệ số beta): độ nhạy của chứng khoán đối với thay đổi trên thị trường
Hệ số beta là thước đo rủi ro của tài sản hay sự biến động của lợi nhuận. Nói cách khác, hệ số Beta là độ nhạy cảm của cổ phiếu đối với rủi ro thị trường. Cụ thể về Beta và cách đo lường hệ số này đã được Libra24h.com thể hiện chi tiết ở bài viết trước. Bạn đọc xem thêm tại đây: Tổng hợp đầy đủ kiến thức cơ bản của hệ số Beta năm 2021
Ta có:
- Hệ số rủi ro của một công ty nằm trong khoảng từ 0 đến 2.
- Nếu β>1: Khi nền kinh tế phát triển tốt thì lợi nhuận cổ phiếu riêng biệt tăng nhanh hơn lợi nhuận thị trường. Nhưng khi nền kinh tế xấu, lợi nhuận cổ phiếu cũng giảm nhanh hơn thị trường.
- Nếu β=1: Dù nền kinh tế xấu hay tốt, thì lợi nhuận cổ biết cũng tăng/giảm bằng thị trường.
- Nếu 0<β<1: Rủi ro từ thị trường chứng khoán lúc này thấp hơn của thị trường.
Xác định chỉ số β giúp nhà đầu tư lường trước những tình hình và diễn biến sẽ xảy ra. Từ đó rút ra được có phù hợp với mục tiêu lợi nhuận hay không. Nó cũng giúp ta biết liệu một khoản đầu tư rủi ro hơn sẽ thu về lợi nhuận nhiều hơn bao nhiêu so với một khoản đầu tư phi rủi ro. Phần lợi nhuận hơn thu được này sẽ được tính bằng phần bù thị trường vốn chủ sở hữu nhân với hệ số beta của nó
Xem thêm: Một số cách định giá cổ phiếu, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Phương trình (1) biểu diễn nội dung mô hình CAPM, có dạng hàm số bậc nhất y = b + ax với Ri là biến phụ thuộc, βi là biến độc lập và hệ số góc là [Rm – Rf]. Về mặt hình học, mối quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu và hệ số rủi ro beta được biểu diễn bằng đường thẳng có tên gọi là Đường thị trường chứng khoán SML (security market line) như hình sau đây:
Nguồn: Giáo trình Phân tích tài chính Đại học Fullbright
4. Ví dụ về cách sử dụng CAPM
Giả sử bạn đang xem một cổ phiếu trị giá $50 ngày hôm nay, cổ tức hàng năm là 3%. Beta của cổ phiếu là 1,5, làm cho nó rủi ro hơn so với thị trường chung. Ngoài ra, giả định rằng lãi suất phi rủi ro là 3% và nhà đầu tư này kỳ vọng thị trường sẽ tăng giá trị 5% mỗi năm.
Vậy ta có thể tính được lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu dựa trên CAPM là 3% + 1,5 × (5% −3%) = 6%
Câu hỏi đặt ra là: Ta đang xét đến các cổ phiếu cá biệt. Vậy liệu mô hình này còn đúng trong trường hợp danh mục đầu tư hay không? Để minh hoạ điều này, ta xem xét ví dụ sau:
Giả sử cổ phiếu A và B có hệ số beta lần lượt là 1,5 và 0,7. Lợi nhuận không rủi ro là 7% trong khi lợi nhuận thị trường là 13,4%. Áp dụng mô hình CAPM chúng ta có lợi nhuận kỳ vọng như sau:
Cổ phiếu A: 7 + (13,4 − 7)1,5 = 16,6%
Cổ phiếu B: 7 + (13,4 − 7)0,7 = 11,48%
Giả sử nhà đầu tư kết hợp hai loại cổ phiếu này theo tỷ trọng bằng nhau trong danh mục đầu tư. Khi đó lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư là (0,5×16,6)+(0,5×11,48) = 14,04%.
Nếu áp dụng mô hình CAPM để xác định lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư, chúng ta có: beta của danh mục đầu tư là (0,5×1,5)+(0,5×0,7) = 1,1. Áp dụng mô hình CAPM chúng ta có lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư là 7 + (13,4 − 7)1,1 = 14,04%
Hai cách tính đem lại kết quả như nhau. Điều đó chứng tỏ mô hình CAPM vẫn có thể áp dụng trong trường hợp danh mục đầu tư, thay vì trường hợp cổ phiếu cá biệt
5. Ưu điểm mô hình CAPM
– Đơn giản và có thể ứng dụng được trên thực tế, CAPM là một phép tính đơn giản giúp cho các nhà đầu tư nhận ra rủi ro của mỗi loại chứng khoán riêng lẻ và trong danh mục đầu tư
– CAPM có tính đến rủi ro thị trường (beta), loại rủi ro này nằm ngoài các mô hình hoàn vốn khác, chẳng hạn như mô hình chiết khấu cổ tức (DDM). Rủi ro thị trường là một biến số quan trọng vì nó không thể lường trước được. Và vì lý do đó, nó thường không thể giảm thiểu hoàn toàn.
– Khả năng thay đổi rủi ro tài chính và kinh doanh: Khi các doanh nghiệp điều tra các cơ hội, nếu kết hợp kinh doanh và tài chính khác với hoạt động kinh doanh hiện tại, thì không thể sử dụng cách tính toán lợi tức bắt buộc khác, như chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC). Tuy nhiên, CAPM có thể.
Xem thêm: Quy mô tài chính – Góc nhìn tổng quát về tài chính doanh nghiệp
6. Hạn chế của mô hình CAPM
– Trong mô hình CAPM, người ta chỉ xem xét đến rủi ro hệ thống, trong khi sự biến động của các khoản đầu tư chịu ảnh hưởng của rất nhiều rủi ro khác.
Những người ủng hộ mô hình đa yếu tố cho rằng mặc dù CAPM vẫn hữu ích cho mục đích của tài chính công ty nhưng nó không đem lại sự đo lường chính xác lợi nhuận kỳ vọng của một cổ phiếu cụ thể nào đó. Mô hình đa yếu tố (multifactor models) cho rằng lợi nhuận cổ phiếu biến động phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có yếu tố thay đổi của thị trường nói chung cho nên nếu đưa thêm những yếu tố khác vào yếu tố rủi ro để giải thích lợi nhuận sẽ mạnh hơn là chỉ dựa vào một yếu tố duy nhất như mô hình CAPM
– Danh mục đầu tư theo CAPM bao gồm tất cả các tài sản (tài chính và phi tài chính). Có nghĩa là nó cũng bao gồm nhiều tài sản không thể đầu tư, như nguồn vốn về con người và tài sản trong các nền kinh tế đóng. Do vậy, các nhà đầu tư không thể thỏa mãn giả định về đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình dẫn đến sai lệch về kết quả.
– Lãi suất phi rủi ro: Rf thường được coi như là bằng với lợi tức của trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Tuy nhiên đây cũng không phải là hằng số mà là biến số thay đổi hàng ngày.
– CAPM được xây dựng dựa trên bốn giả định chính. Trong đó, giả định nhà đầu tư có thể vay/cho vay với lãi suất phi rủi ro là không thực tế. Các nhà đầu tư cá nhân không có khả năng vay/cho vay với tỷ lệ như chính phủ. Do đó, đường lợi nhuận yêu cầu tối thiểu thực sự có thể ít dốc hơn (cung cấp lợi nhuận thấp hơn) so với mô hình tính toán.
– Vấn đề ủy thác: Khi nhà đầu tư ủy thác đầu tư, các nhà phân tích khác nhau, các quốc gia khác nhau sẽ tạo ra lợi nhuận kì vọng khác nhau cho cùng một tài sản. Điều này trái với giả định của CAPM
Bài viết trên đã đem lại kiến thức tổng quát nhất về Mô hình định giá tài sản vốn CAPM và đặc điểm nổi bật của nó. Để biết thêm nhiều thông tin thú vị về tài chính, bạn đọc hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Libra24h.com nhé!
Nguồn: Tổng hợp
Mai P Nguyen