Thị trường ngoại hối có cấu trúc rất khác biệt so với cấu trúc các thị trường khác. Các chủ thể tham gia trên thị trường ngoại hối cũng rất đa dạng với những chức năng khác nhau. Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu về cấu trúc của thị trường này và các đối tượng tham gia qua bài viết dưới đây nhé.
1. Chủ thể tham gia vào thị trường ngoại hối
1.1. Các ngân hàng
Tham gia vào thị trường ngoại hối, không thể không kể đến các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại.
Ngân hàng trung ương đóng một vai trò quan trọng trong thị trường ngoại hối. Vai trò của nó là cung cấp sự ổn định giá tiền tệ, đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và thực hiện thanh toán quốc tế thay mặt Chính phủ. Khi trên thị trường ngoại hối có những biến động mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Trung ương can thiệp và tác động đến thị trường ngoại hối thông qua các biện pháp để điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Ngân hàng Trung ương can thiệp dưới hình thức bán tiền tệ khi nó được định giá quá cao và mua khi nó có xu hướng bị định giá thấp hơn.
- Bạn đọc tham khảo: Kiến thức cơ bản về Chính sách tiền tệ
Những ngân hàng trung ương quan trọng nằm ở các quốc gia lớn có mức độ trao đổi hàng hóa, tiền tệ lớn như: Ngân hàng trung ương Hoa Kì (FED), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ – Bank of Japan), Ngân hàng trung ương Anh (BoE – Bank of England), hay Ngân hàng trung ương Úc (BoA – Bank of Australia), v.v…
Ngân hàng thương mại là cơ quan quan trọng thứ hai của thị trường ngoại hối. Các ngân hàng kinh doanh ngoại hối đóng vai trò là “nhà tạo lập thị trường”, nghĩa là họ định giá tỷ giá hối đoái hàng ngày để mua và bán ngoại tệ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại còn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối để đảm bảo ổn định dự trữ ngoại hối. Các ngân hàng này mua tiền tệ từ các nhà môi giới và bán nó cho người mua.
Hệ thống các ngân hàng thương mại này gồm các ngân hàng thương mại có quy mô rất lớn và các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn trên thế giới như: HSBC, Citi Bank, Barclays, Deutsche Bank, UBS, JPMorgan, v.v…
1.2. Các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp
Các khách hàng cá nhân là những nhà giao dịch trong và ngoài nước, tham gia vào thị trường ngoại hối với các mục đích cá nhân khác nhau; kiếm lời, du lịch, đầu tư,.. Đây là bộ phận rất quan trọng trong thị trường ngoại hối, mang lại thanh khoản và sức sống cho toàn bộ thị trường.
Các khách hàng doanh nghiệp bao gồm các công ty nội địa và các công ty đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia là thành phần tham gia giao dịch ở thị trường Forex một cách “nhiệt huyết” nhất. Những tập đoàn lớn như Apple, Facebook, Tesla, Samsung, v.v…có hệ sinh thái vô cùng khổng lồ nằm ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chính vì thế, họ phải thường xuyên trao đổi giữa các quốc gia một khối lượng tiền tệ khổng lồ mỗi ngày ở thị trường Forex để vận hành cả một hệ sinh thái “siêu to khổng lồ”. Các công ty đa quốc gia này thực hiện việc đổi tiền thông qua mạng lưới các ngân hàng thương mại. Với sự tham gia của các công ty đa quốc gia, một khối lượng ngoại hối khổng lồ được giao dịch trên thị trường ngoại hối mỗi ngày, điều này là một trong những yếu tố tiên quyết để các ngân hàng quyết định mức tỷ giá phù hợp.
1.3. Các nhà môi giới, quỹ đầu tư ngoại hối, các tổ chức tài chính
Các tổ chức này không thực hiện các giao dịch với thị trường liên ngân hàng mà thay vào đó, họ thực hiện thông qua ngân hàng thương mại. Điều này có nghĩa là tỷ giá của họ cao hơn và đắt hơn so với những tỷ giá là một phần của thị trường liên ngân hàng. Các tổ chức này đặc biệt là các nhà môi giới nhận thanh khoản từ các ngân hàng lớn và cung cấp cho các nhà giao dịch.
Các nhà môi giới là chủ thể trung gian trong giao dịch hối đoái giữa các ngân hàng, tổ chức, cá nhân với nhau, được pháp luật quy định kinh doanh hợp pháp. Các nhà môi giới cung cấp cho khách hàng cơ hội giao dịch trên thị trường ngoại hối, giúp cho cung và cầu ngoại hối gặp được nhau, đảm bảo việc thực hiện lệnh giao dịch nhanh chóng và chính xác. Họ là nguồn thông tin thị trường chính. Đây là những người không tự mua ngoại tệ mà thực hiện một thỏa thuận giữa người mua và người bán trên cơ sở hoa hồng.
2. Cấu trúc thị trường ngoại hối
Thị trường ngoại hối được kết cấu bởi 3 bộ phận đó là thị trường liên ngân hàng, sở giao dịch ngoại hối và thị trường giao dịch phi tập trung.
2.1. Thị trường liên ngân hàng
Thị trường liên ngân hàng là thị trường trong đó các ngân hàng lớn trên thế giới trao đổi các đồng tiền theo tỉ giá giao ngay và tỉ giá có kì hạn. Thị trường liên ngân hàng là trung tâm của thị trường ngoại hối. Hệ thống liên ngân hàng bao gồm các ngân hàng lớn nhất thế giới và một số ngân hàng nhỏ hơn. Có thể kể đến một số ngân hàng lớn như Citi, JPMorgan, UBS, Barclays, Deutsche Bank và HSBC … Những thành phần trong liên ngân hàng có thể giao dịch trực tiếp với nhau hoặc thông qua Hệ thống dịch vụ môi giới điện tử EBS hoặc Hệ thống giao dịch trung gian của tổ chức Reuters.
Thị trường liên ngân hàng không có địa điểm cụ thể mà là một mạng lưới thông tin liên lạc ngân hàng nối mạng điện tử với nhau và liên kết ngân hàng với những người môi giới ngoại hối. Trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng hoạt động như là đại lý cho khách hàng của mình. Ngoài việc chuyển đổi tiền tệ, các ngân hàng còn thực hiện tư vấn cho khách hàng về chiến lược giao dịch, cung cấp nhiều loại công cụ tiền tệ khác nhau và các dịch vụ quản trị rủi ro khác. Các ngân hàng còn giúp khách hàng kiểm soát rủi ro tỷ giá hối đoái bằng cách cung cấp thông tin về những quy định điều tiết ngoại hối trên khắp thế giới.
2.2. Sở giao dịch ngoại hối
Sở giao dịch ngoại hối là nơi tiến hành các giao dịch ngoại hối giao sau và quyền chọn ngoại hối. Việc mua bán tiền tệ trên các sở giao dịch này phải thông qua các nhà môi giới chứng khoán, những người tạo điều kiện cho các giao dịch vận hành tốt hơn bằng cách chuyển và thực hiện các đặt hàng của khách hàng. Các giao dịch trên sở giao dịch ngoại hối thường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và quy mô đó cũng khác nhau tùy theo loại tiền tệ.
2.3. Thị trường giao dịch phi tập trung (OTC)
Thị trường phi tập trung là thị trường nơi các bên tham gia mua bán chứng khoán thẳng với nhau (không niêm yết, không tập trung vào 1 điểm giao dịch) thông qua mạng máy tính toàn cầu. Tất cả giao dịch ngoại hối đều có thể diễn ra trên thị trường OTC. Những chủ thể chính tham gia vào thị trường này là các tổ chức tài chính lớn và các ngân hàng đầu tư.
Thị trường phi tập trung tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây do mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh. Trước hết, nó cho phép các doanh nghiệp có thể tự do tìm kiếm tổ chức nào chào giá tốt nhất (thấp nhất) khi tiến hành giao dịch. Thứ hai, nó tạo cơ hội thực hiện các giao dịch có tính linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng.
Qua bài viết này, libra24h.com hy vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quan về cấu trúc thị trường ngoại hối và hiểu được nhiệm vụ của từng chủ thể tham gia vào thị trường này.
Nguồn: Tổng hợp
Thảo Rosie