Cán cân thanh toán (balance of payment – BoP) là một báo cáo thống kê tổng hợp có hệ thống, ghi chép lại giá trị tất cả các giao dịch kinh tế giữa người cư trú với người không cư trú trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.
1. Cán cân thanh toán quốc tế là gì? Kết cấu của cán cân thanh toán quốc tế
1.1. Khái niệm về cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán (balance of payment – BoP) là một báo cáo thống kê tổng hợp có hệ thống, ghi chép lại giá trị tất cả các giao dịch kinh tế giữa người cư trú với người không cư trú trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.
Ví dụ: báo cáo xuất – nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
1.2. Kết cấu của cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế bao gồm 3 mục chính sau:
a) Cán cân vãng lai (current account – CA) ghi chép các hoạt động:
1) Trao đổi hàng hoá (xuất và nhập khẩu hàng hoá), còn gọi là cán cân thương mại hay cán cân hữu hình;
2) Trao đổi dịch vụ (các dịch vụ như du lịch, vận chuyển, bảo hiểm, ngân hàng), còn gọi là cán cân dịch vụ hay cán cân vô hình;
3) Thu nhập chuyển về nước, tức thu nhập từ việc cung ứng các dịch vụ nhân tố thuộc sở hữu của nước ngoài, nhưng đang hoạt động ở nền kinh tế trong nước hoặc cho các dịch vụ nhân tố thuộc sở hữu trong nước, nhưng đang hoạt động ở nước ngoài;
4) Chuyển giao quốc tế, ví dụ quà tặng, quà biếu cho người nước ngoài hoặc từ nước ngoài, viện trợ cho không, lệ phí, đóng góp cho các tổ chức quốc tế.
b) Cán cân vốn (Capital account – KA) ghi chép các khoản:
1) Tín dụng ngắn hạn như quỹ tín dụng thương mại, tín dụng hỗ trợ cán cân thanh toán của Quỹ tiền tệ quốc tế hay các nước khác.
2) Tín dụng dài hạn như các khoản đi vay, cho vay dài hạn của chính phủ và tư nhân, bao gồm cả viện trợ phát triển chính thức (phần cho vay) và đầu tư nước ngoài.
c) Cán cân tài chính (Finance account – FA) báo cáo dòng tiền của một quốc gia:
Cán cân tài chính ghi lại tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản tài chính. Cán cân tài chính bao gồm tài sản dự trữ (reserve assets) và tài sản không dự trữ (non-reserve assets).
Tài sản dự trữ là tài sản được nắm giữ bởi các cơ quan tiền tệ, dùng để cân bằng các khoản thanh toán. Tài sản dự trữ bao gồm: vàng, ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt (SDR) và vị thế dự trữ với IMF.
Tài sản không dự trữ là tài sản không thuộc nhóm tài sản dự trữ hay tài khoản vốn. Tài sản không dự trữ chủ yếu bao gồm: đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (FPI), chứng khoán phái sinh và các khoản vay – gửi ngân hàng.
1.3. Công thức tính cán cân thanh toán
Theo lý thuyết, bằng cách sử dụng phương pháp ghi sổ kế toán kép, tổng của số dư cán cân vãng lai, số dư cán cân vốn và số dư cán cân tài chính phải bằng không
Thực tế, không phải lúc nào tổng của các cán cân trên bằng không (CA + KA + FA ⧧ 0) do có sự xuất hiện của các sai số và bỏ sót (errors and omissions).
Số dư thanh toán chính thức (Official settlement balance) hay còn gọi là cán cân thanh toán, được tính bằng tổng số dư tài khoản hiện tại, số dư tài khoản vốn và tài khoản tài chính số dư loại trừ những thay đổi của tài sản dự trữ.
Vì thế, cán cân thanh toán được tính theo công thức sau:
Trong đó:
-
CA (Current Account): Cán cân vãng lai
-
KA (Capital Account): Cán cân vốn
-
FA (Financial Account): Cán cân tài chính
-
EO (Errors and Omission): Sai số và bỏ sót
2. Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế
2.1. Lạm phát
Với điều kiện các nhân tố khác không đổi, nếu tỷ lệ lạm phát của một quốc gia cao hơn so với các nước khác có quan hệ mậu dịch, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa của nước này trên thị trường quốc tế do đó làm cho khối lượng xuất khẩu giảm.
2.2. Ảnh hưởng của thu nhập quốc dân
Nếu mức thu nhập của một quốc gia tăng theo một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ tăng của quốc gia khác, tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ giảm nếu các yếu tố khác bằng nhau. Do mức thu nhập thực tế (đã điều chỉnh do lạm phát) tăng, mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng.
2.3. Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái
Nếu tiền của một nước bắt đầu tăng giá so với tiền của quốc gia khác, tài khoản vãng lai của nước đó sẽ giảm, nếu các yếu tố khác bằng nhau. Hàng hóa xuất khẩu từ nước này sẽ trở nên đắt hơn đối với các nước nhập khẩu nếu đồng tiền của họ mạnh. Kết quả là nhu cầu hàng hóa đó giảm (cán cân vãng lai).
2.4. Sự ổn định chính trị của một đất nước, chính sách đối ngoại của quốc gia
Sự ổn định chính trị của một đất nước là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế. đây cũng là điều kiện tiên quyết để các quốc gia khác tăng cường quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại trở thành điều kiện đủ cho mọi quan hệ kinh tế trực tiếp. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập, chính sách đối ngoại phù hợp sẽ là yếu tố mở đường cho mọi yếu tố khác phát triển.
2.5. Khả năng và trình độ quản lý kinh tế của chính phủ
Đây là yếu tố tạo sự phát triển bền vững và tăng trưởng liên tục của nền kinh tế. Yếu tố này vừa mang tính thử nghiệm vừa đánh giá sự năng động trong điều hành nền kinh tế của chính phủ trong đó có quan hệ kinh tế đối ngoại cũng sẽ đạt được. Do đó, cán cân thanh toán quốc tế sẽ được cải thiện theo chiều thuận.
3. Thực trạng cán cân thanh toán ở Việt Nam năm 2020
Vào đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang lại nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Cũng như mọi quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với tác động tiêu cực về nền kinh tế do COVID-19 gây ra. Theo số liệu năm 2020, xuất khẩu trong tháng 4 giảm mạnh, tới 13,9% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do sụt giảm 26% so với cùng kỳ của hàng dệt may và giày dép. Một số đơn đặt hàng từ Mỹ và EU – chiếm khoảng 60% xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam – đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Trong khi đó có những dữ liệu trái ngược về hàng điện tử, như trong khi xuất khẩu điện thoại giảm tới 35% so với cùng kỳ thì các lô hàng liên quan đến máy tính đã tăng 18% trong tháng 4. Qua đó, ta thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử (ngoại trừ điện thoại) vẫn tương đối ổn định.
Bảng 1. Cán cân thanh toán của Việt Nam giai đoạn 1996 – 2019
(Nguồn: IMF, HSBC, CEIC)
Đối với khu vực sản xuất, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua – chỉ số về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) tháng 4/2020 sụt giảm với tốc độ nhanh và xuống mức thấp kỷ lục là 32,7 điểm. Điều này phản ánh của nhu cầu ngày càng yếu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC vẫn đánh giá: “Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN mà chúng tôi dự báo còn tiếp tục có được tăng trưởng dương trong năm 2020”.
Thật vậy, cán cân thanh toán của Việt Nam đã ở một vị thế tương đối mạnh, giúp tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các rủi ro bên ngoài. Nhờ dòng vốn FDI được duy trì, tài khoản vốn thặng dư đã giúp hỗ trợ để duy trì thặng dư cán cân tổng thể. Trong khi đó, thặng dư thương mại tăng nhanh và kiều hối tăng cũng đã giúp chuyển tài khoản vãng lai từ thâm hụt sang thặng dư.
Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Theo dữ liệu của IMF, cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến cuối năm 2020 đã đạt 94,8 tỷ USD, đánh dấu chuỗi gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2016. Và theo dự báo của tổ chức này, quy mô đó sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 với dự kiến đạt 113,7 tỷ USD.
Hơn nữa, thặng dư thu nhập thứ cấp gia tăng cũng đã hỗ trợ một vị thế cán cân vãng lai thuận lợi. Một lượng lớn trong đó đến từ việc kiều hối liên tục được chuyển về. Kiều hối tăng trưởng đều đặn trong hai thập kỷ qua, khiến Việt Nam trở thành nước nhận lớn thứ tư ở châu Á, với dòng kiều hối trị giá 16,7 tỷ USD (6,4% GDP) trong năm 2019. Hoạt động này đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài.
Bài viết trên đã cung cấp cho người đọc những kiến cơ bản về cán cân thanh toán quốc tế cũng như các yếu tố tác động đến cán cân thanh toán quốc tế. Hy vọng libra24h.com sẽ cung cấp cho người đọc nhiều nội dung hữu ích hơn liên quan đến thị trường ngoại hối.
Nguồn: Tổng hợp
Hà Thương