Phân tích cơ bản (Fundamental analysis) là phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách kiểm tra các yếu tố có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và triển vọng phát triển của công ty trong tương lai. Vậy để phân tích cơ bản một công ty thì nhà đầu tư cần phải có những bước gì? Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu từng bước nhé!
1. Nắm rõ về ngành của công ty:
Phân tích ngành có vai trò quan trọng với cùng những lý do như phân tích kinh tế vĩ mô: một ngành khó mà hoạt động tốt khi nền kinh tế vĩ mô đang ốm yếu; tương tự như vậy, doanh nghiệp trong một ngành đang gặp rắc rối thì thường cũng không hoạt động tốt được. Tương tự, cũng giống như ta đã thấy kết quả kinh tế mỗi nước mỗi khác, kết quả hoạt động cũng có thể rất khác nhau giữa các ngành.
Định nghĩa ngành
Tuy ta biết mình ngụ ý gì khi nói tới một ngành, nhưng trong thực hành nhiều khi khó mà vạch ra một đường kẻ rạch ròi giữa ngành này với ngành khác. Ví dụ, ta hãy xem một trong những ngành đã được mô tả trong Hình 1, các công ty phần mềm ứng dụng. Ngay cả trong phạm vi ngành này cũng có sự biến thiên mạnh theo trọng tâm và dòng sản phẩm. Sự khác biệt đó có thể dẫn đến sự phân hóa đáng kể về kết quả tài chính. Hình 2 trình bày ROE của một mẫu các công ty trong ngành này, và kết quả hoạt động quả thật rất khác biệt nhau: từ 8,6 phần trăm của Adobe cho đến 54,1 phần trăm với Microsoft.
Độ nhạy với chu kỳ kinh tế
Một khi nhà phân tích đã dự báo trạng thái của nền kinh tế vĩ mô, điều cần thiết là phải xác định ý nghĩa của dự báo đó đối với các ngành cụ thể. Không phải mọi ngành đều nhạy cảm như nhau trước chu kỳ kinh tế. Ví dụ, Hình 3 biểu thị sự thay đổi doanh số bán lẻ (qua từng năm) trong hai ngành: đồ trang sức và tạp phẩm. Rõ ràng, doanh số đồ trang sức, vốn là một mặt hàng xa xỉ, biến động nhiều hơn so với hàng tạp phẩm. Tình trạng giảm sút doanh số đồ trang sức vào năm 2001 khi nền kinh tế đang suy thoái biểu hiện thật rõ rệt. Trái lại, tăng trưởng doanh số trong ngành tạp phẩm tương đối ổn định, không có năm nào doanh số giảm sút. Những diễn biến này phản ánh sự kiện là đồ trang sức là một hàng hóa tùy thích, trong khi hầu hết các mặt hàng tạp phẩm đều là nhu yếu phẩm mà cầu sẽ không giảm mạnh ngay cả trong những thời kỳ khó khăn.
Các nhà đầu tư không phải khi nào cũng luôn thích những ngành ít nhạy cảm với chu kỳ kinh tế. Các công ty trong những ngành nhạy cảm sẽ có cổ phiếu có rủi ro hơn. Bởi vì mặc dù những biến động xuống thấp hơn khi nền kinh tế đi xuống thì chúng cũng biến động lên cao hơn khi nền kinh tế đi lên. Lúc nào cũng vậy, vấn đề bạn cần giải quyết là liệu suất sinh lợi kỳ vọng từ đầu tư có đền bù thỏa đáng cho những rủi ro chấp nhận hay không.
Xoay vòng theo ngành
Một cách suy nghĩ của nhiều nhà phân tích về mối quan hệ giữa phân tích ngành và chu kỳ kinh tế là khái niệm xoay vòng theo ngành. Ý tưởng ở đây là thay đổi danh mục thiên về những ngành hay nhóm ngành dự kiến có kết quả tốt hơn dựa vào đánh giá trạng thái của chu kỳ kinh tế. Xoay vòng theo ngành là chiến lược đầu tư dẫn đến sự chuyển đổi thành phần danh mục vào những nhóm ngành dự kiến có kết quả tốt hơn các ngành khác dựa trên dự báo kinh tế vĩ mô. Hình 4 mô tả cách điệu một chu kỳ kinh tế. Khi các nhà đầu tư tương đối bi quan về nền kinh tế, họ sẽ chuyển sang những ngành không theo chu kỳ như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc y tế. Khi dự đoán sự mở rộng kinh tế, họ sẽ thích những ngành theo chu kỳ hơn như nguyên vật liệu và công nghệ.
Vòng đời của ngành
Phân tích này cho thấy rằng một vòng đời của ngành điển hình có thể được mô tả qua bốn giai đoạn: giai đoạn khởi sự với đặc điểm là tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng; giai đoạn củng cố với đặc điểm là tăng trưởng kém nhanh chóng hơn nhưng vẫn còn nhanh hơn nền kinh tế chung; giai đoạn chín muồi với đặc điểm là tăng trưởng không nhanh hơn nền kinh tế chung; và giai đoạn giảm sút tương đối, trong đó tăng trưởng của ngành kém nhanh hơn phần còn lại của nền kinh tế, hay thực sự giảm sút. Vòng đời của ngành này được minh họa trong Hình 5.
Cơ cấu ngành và kết quả hoạt động
Sự chín muồi của một ngành liên quan đến những thay đổi thường xuyên trong môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp. Như một chủ đề cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa cơ cấu ngành, chiến lược cạnh tranh và lợi nhuận. Michael Porter (1980, 1985) đã làm rõ năm yếu tố xác định sự cạnh tranh: mối đe dọa tham gia thị trường từ những đối thủ cạnh tranh mới, tính kình địch giữa các đối thủ cạnh tranh hiện hữu, áp lực giá từ các sản phẩm thay thế, thế lực đàm phán từ khách hàng, và thế lực đàm phán từ nhà cung ứng.
2. Phân tích chiến lược của công ty:
Phân tích chiến lược là gì?
Phân tích chiến lược đề cập đến quá trình nghiên cứu về một công ty và môi trường hoạt động xung quanh công ty để xây dựng một chiến lược. Định nghĩa của phân tích chiến lược có thể khác với quan điểm học thuật hoặc kinh doanh, nhưng quá trình này bao gồm một số yếu tố phổ biến:
-
Xác định và đánh giá dữ liệu liên quan đến chiến lược của công ty
-
Xác định môi trường bên trong và bên ngoài để phân tích
-
Sử dụng một số phương pháp phân tích như phân tích 5 yếu tố trong mô hình của Porter, phân tích SWOT và phân tích chuỗi giá trị.
Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị
Để phát triển một chiến lược kinh doanh, một công ty cần có sự hiểu biết rất rõ ràng về định vị của công ty và những gì công ty đại diện. Các nhà đầu tư cần xem xét những điều sau:
-
Tầm nhìn – Những gì công ty muốn đạt được trong tương lai (5-10 năm)
-
Tuyên bố sứ mệnh – Công ty kinh doanh gì và những đối tượng liên quan
-
Giá trị – Niềm tin cơ bản của một tổ chức phản ánh các cam kết và giá trị đạo đức
Các yếu tố trên đều có thể được tìm thấy trong bản Báo cáo thường niên của công ty. Mục đích của phân tích chiến lược là phân tích môi trường bên ngoài và bên trong của một tổ chức, đánh giá các chiến lược hiện tại.
Quy trình phân tích chiến lược
Phân tích môi trường kinh doanh của các chiến lược hiện tại
Ngay từ đầu, một công ty cần hoàn thành phân tích môi trường về các chiến lược hiện tại của mình. Xem xét môi trường nội bộ bao gồm các vấn đề như không hiệu quả trong hoạt động vận hành, tinh thần nhân viên và các ràng buộc từ các vấn đề tài chính. Cân nhắc môi trường bên ngoài bao gồm các xu hướng chính trị, sự dịch chuyển kinh tế và thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể, nhà đầu tư cần phải trả lời được các câu hỏi sau:
-
Thị trường mà doanh nghiệp cạnh tranh là gì và quy mô của các hoạt động thực hiện trên thị trường cạnh tranh đó như thế nào?
-
Cách thức hoạt động để doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn so với các đối thủ cạnh tranh trên những thị trường đó?
-
Những yếu tố bên ngoài, yếu tố môi trường có ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
-
Lợi ích và kỳ vọng từ những người có quyền lực trong và ngoài doanh nghiệp (chẳng hạn như các cổ đông)?
-
Nguồn lực cần có của doanh nghiệp (như kỹ năng, tài sản, tài chính, các mối quan hệ, năng lực kỹ thuật, trang thiết bị) để có khả năng cạnh tranh với đối thủ?
Xác định mức độ hiệu quả của các chiến lược hiện tại
Mục đích chính của phân tích chiến lược là xác định tính hiệu quả của chiến lược hiện tại trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng. Các nhà đầu tư cần phải tự đặt ra các các câu hỏi như:
-
Chiến lược của công ty thất bại hay thành công?
-
Công ty có thể sẽ đạt được các mục tiêu đề ra hay không? Hiện tại công ty đã đạt được bao nhiêu phần trăm của các mục tiêu đề ra?
-
Chiến lược của công ty có phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của công ty không?
- Xem thêm: 6 bước để phân tích cơ bản một công ty (Phần 2)
Thông qua bài viết này, libra24h.com mong rằng đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về các bước để nắm rõ về ngành và phân tích chiến lược của một công ty. Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tổng hợp
Trung Phan