Cán cân thanh toán đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vậy làm thế nào để cán cân thanh toán luôn ở trạng thái cân bằng, đảm bảo kinh tế vĩ mô? Hãy cùng libra24h.com tìm hiểu 3 cách để thiết lập trạng thái này nhé!
1. Vai trò của cán cân thanh toán quốc tế (BOP)
- Tại sao phải nghiên cứu cán cân thanh toán?
- Cán cân thanh toán có vai trò gì trong nền kinh tế?
Trong nền kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Có thể thấy cán cân thanh toán quốc tế là một tài loại quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở tầm vĩ mô nói riêng.
Cán cân thanh toán thể hiện tình hình tài chính và kinh tế của mỗi quốc gia.
Cán cân thanh toán phản ánh kết quả của hoạt động trao đổi đối ngoại của một quốc gia với các quốc gia khác. Nó cho biết một cách trực quan nhất tình trạng công nợ của một quốc gia tại một thời điểm nhất định hay một thời kỳ nhất định. Theo đó, cán cân thặng dư (bội thu) hay thâm hụt (bội chi) cho biết quốc gia đó hiện đang là chủ nợ hay đang mắc nợ nước ngoài.
Cán cân thanh toán giữ vai trò đặc biệt trong bảng cân đối thanh toán của các nước. Tình trạng của BOP ảnh hưởng đến sự thay đổi của tỷ giá hối đoái, tình hình ngoại hối và ngoại thương của một nước. Trong cán cân thanh toán, nếu tổng thu lớn hơn tổng chỉ là dư thừa vốn trong nước, nếu tổng thu nhỏ hơn tổng chỉ là thâm hụt cán cân thanh toán.
Cán cân thanh toán cung cấp thông tin về cung và cầu đồng nội tệ hoặc ngoại tệ, giúp một nước đánh giá sức mạnh đồng tiền, sức mạnh kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua sự thay đổi của tỷ giá hối đoái, tình hình ngoại hối và ngoại thương.
Cán cân thanh toán phản ánh địa vị kinh tế của một đất nước trên trường quốc tế. Nó có thể dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh chung của một quốc gia. Đây chính là kết quả tổng hợp các hoạt động thương mại, dịch vụ và các chính sách rút vốn ra khỏi nước khác.
Bằng cách nghiên cứu cán cân thanh toán quốc tế và các thành phần của nó, ta sẽ có thể xác định các xu hướng có thể có lợi hoặc có hại cho nền kinh tế của một quốc gia. Từ đó, giúp các nhà hoạch định xây dựng kế hoạch chiến lược phù hợp.
Từ thực trạng cán cân, các nhà hoạch định sẽ có quyết định thay đổi hoặc không thay đổi nội dung chính sách kinh tế, từ đó thiết kế chiến lược phát triển kinh tế xã hội thích hợp cho từng thời kỳ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
2. Trạng thái cán cân thanh toán
2.1. Thặng dư cán cân thanh toán ( Surplus BOP )
Cán cân thanh toán thặng dư là trạng thái mà quốc gia có tổng các quản thu lớn hơn tổng các khoản chi. Hay nói cách khác là cán cân có tổng các khoản ghi “Có” lớn hơn các khoản ghi “Nợ”.
Cán cân thanh toán thặng dư được xem là có tác động tích cực đến các chỉ số khác của nền kinh tế. Nó cho thấy cầu về tiền của nước đó vượt quá lượng cung và chính phủ nên/hoặc tăng giá trị của đồng tiền hoặc tăng ngoại tệ và tỷ lệ dự trữ ngoại hối.
2.2. Thâm hụt cán cân thanh toán ( Deficit BOP )
Thâm hụt cán cân thanh toán là trạng thái mà quốc gia có tổng các khoản chi lớn hơn tổng các khoản thu. Hay nói cách khác là cán cân có tổng các khoản ghi “Nợ” lớn hơn các khoản ghi “Có”.
Trong một nền kinh tế, cán cân thanh toán thâm hụt sẽ có tác động tiêu cực đến các chỉ số khác của nền kinh tế. Thâm hụt trong cán cân thanh toán cho thấy dư cung của một nước trong thị trường quốc tế và chính phủ có thể phải giảm giá đồng tiền hoặc giảm dự trữ ngoại hối để bù đắp lại thượng thâm hụt.
Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ trương hợp nào cán cân thanh toán thâm hụt đều ảnh hưởng tiêu cực. Một số quốc gia có thể chủ động làm thâm hụt cán cân thanh toán ở tương quan nhất định so với tổng sản phẩm quốc nội – GDP để giải quyết một số vấn đề khác trong kinh tế và thương mại hoặc trong quan hệ kinh tế quốc tế.
2.3. Cân bằng cán cân thanh toán
Cân bằng cán cân thanh toán là tình trạng trong đó một nước chi tiêu và đầu tư ở nước ngoài tương đương với mức chi tiêu và đầu tư của các nước khác vào nước đó trong nhiều năm, do vậy dự trữ ngoại tệ của nó không tăng mà cũng không giảm.
Cân bằng cán cân thanh toán là mục tiêu của các quốc gia trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
3. Cách điều chỉnh cán cân thanh toán
Đối với mỗi quốc gia, mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách kinh tế là đảm bảo cán cân thanh toán ở mức cân bằng. Bởi vậy khi cán cân thanh toán thặng dư hay thâm hụt thì các nước sẽ đưa ra những biện pháp để điều chỉnh.
Khi xảy ra hiện tượng mất cân bằng cán cân thanh toán, có thể áp dụng 3 cách sau để thiết lập trạng thái cho cán cân thanh toán:
3.1. Điều chỉnh tỷ giá hối đoái
Cách này được được thực hiện thông qua biện pháp phá giá hoặc tăng giá đồng nội tệ hoặc can thiệp vào thị trường hối đoái nhằm làm cho đồng nội tệ xuống giá hoặc lên giá (trong chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý).
Ví dụ: Cán cân thanh toán của Việt Nam bị coi là mất cân bằng vì mức chi tiêu cho hàng nhập khẩu lớn hơn mức chi tiêu của các nước cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, do đó dự trữ ngoại tệ của Việt Nam giảm.
Lúc này, chính phủ Việt Nam có thể thực thi chính sách phá giá đồng tiền Việt Nam, làm cho đồng tiền Việt Nam có giá trị thấp hơn so với các đồng tiền nước ngoài.
Giá trị thấp hơn của đồng tiền Việt Nam làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên rẻ hơn và hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam trở nên đắt hơn, do đó xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm.
Nếu chính sách này thành công, mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng và cán cân thanh toán chuyển về trạng thái cân bằng.
3.2. Điều chỉnh giá cả và thu nhập
Được thực hiện bằng chính sách tài khóa và tiền tệ với mục đích cắt giảm hoặc làm tăng lạm phát.
Ví dụ: Cán cân thanh toán đang xấu đi, biểu hiện là dự trữ ngoại tệ giảm, lúc này chính phủ có thể thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt.
Chính sách này sẽ làm giảm giá hàng hóa và dịch vụ, trong đó có giá hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu. Mức giá trong nước thấp hơn sẽ làm giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu, lúc này dự trữ ngoại tệ tăng lên và cán cân thanh toán được cải thiện và bị đẩy về trạng thái cân bằng.
3.3. Điều chỉnh chính sách thương mại và giao dịch ngoại tệ
Ví dụ cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư vì nước ta xuất khẩu quá nhiều và nhập khẩu quá ít.
Để thay đổi điều này, Chính phủ Việt Nam có thể giảm thuế quan, tăng hạn ngạch nhập khẩu. Khi chính sách này được thực thi, nhập khẩu sẽ tăng, mức thặng dư cán cân thương mại và dự trữ ngoại tệ sẽ giảm, cán cân thanh toán được chuyển về trạng thái cân bằng.
Thông thường khi cán cân thanh toán thặng dư, các nước thường sử dụng lượng thặng dư đó để tăng cường đầu tư ra nước ngoài và bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Còn khi cán cân thâm hụt sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, quan hệ kinh tế đối ngoại và các quan hệ kinh tế xã hội khác.
Nguồn: Tổng hợp
Thảo Rosie